"Làm như vậy thì hơi quá, tỉnh Đồng Nai nên có sự phối hợp với TP.HCM. Sự nóng vội sẽ tạo nên phản ứng không cân bằng, không tốt cho sự phát triển chung” - Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng nói.
Cuộc “đánh úp” ?
“Cuộc “đánh úp” này diễn ra vào đúng 2 ngày nghỉ cuối tuần, thứ Bảy và Chủ Nhật”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ trên trang facebook cá nhân sáng nay khi nói về lệnh cách ly 21 ngày của tỉnh Đồng Nai đối với người về từ TP.HCM
Đồng Nai vừa có quyết định cách ly 21 ngày với người đến từ TP.HCM |
Nhiều người sẽ bàng hoàng bởi việc áp dụng ngay quyết định này chắc chắn làm ách tắc dòng chảy nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp, người lao động, trong đó có cả người làm quản lý các doanh nghiệp cả ở TP.HCM và Đồng Nai.
Đặc biệt là luồng giao thông hàng hóa, xuất nhập khẩu hàng hóa mà thời hạn và bị phạt bởi đối tác nước ngoài là không tránh khỏi.
“Khi gõ những dòng này, tay tôi run và tim đập mạnh vì lo âu và bối rối...Thật là khó quá cho tình hình bùng phát dịch và tự bảo vệ của các địa phương. Còn hàng vạn gia đình bị ảnh hưởng và cả nền kinh tế?”, bà Kim Hạnh viết.
Theo bà Hạnh, Đồng Nai là cửa ngõ các tỉnh miền Đông vào TP.HCM. Tình hình dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp muốn 'gãy xương' vì bị hủy hợp đồng, tồn hàng, nơm nớp lo chỉ một công nhân (trong mấy nghìn công nhân) dính F0 hay F1, F2 là đóng cửa, treo niêu toàn bộ, thì liệu ngay sau những ngày “ngăn sông cấm chợ” và tình hình cách ly, thiếu phối hợp giữa các tỉnh thành , sự trở ngại và thiệt hại đến đâu ?
“Tổn hại vì dịch bệnh đã nhiều, thương tổn từ những quyết định "hiệu lực tức thì" này sẽ còn gây thiệt hại lớn và lâu dài tới đâu ? Thiệt tình. Bây giờ là hai ngày nghỉ cuối tuần, dễ gì ai kêu điện thoại mà có người nghe máy”, bà Hạnh trăn trở.
Các cơ quan của TP.HCM lên tiếng
Ngay trong chiều qua, Ban quản lý Các Khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi Thường trực UBND TP.HCM đề nghị cơ quan này có ý kiến với UBND tỉnh Đồng Nai.
Văn bản nói rõ, hiện có khoảng 6.000 người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hàng ngày di chuyển đến các khu chế xuất, khu công nghiệp Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam thuộc TP.HCM để làm việc.
Ngoài ra, có rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua cụm cảng Cái Mép Thị Vải và hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP.HCM, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp thuộc TP.HCM.
“Việc thực hiện theo các nội dung trong công văn số 6180/UBND-KGVX của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp. Không những vậy, việc lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động sẽ gặp khó khăn, khả năng sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp”, ông Hứa Quốc Hưng – Trưởng Ban quản lý Hepza cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhận định, việc thực hiện các biện pháp cách ly ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 địa phương.
“Riêng việc vận chuyển hàng hoá giữa 2 tỉnh thì Sở Công thương TP.HCM đã thống nhất với Sở Công thương Đồng Nai và các cơ quan liên quan thống nhất các phương án phòng chống dịch và lưu thông hàng hoá bình thường. Doanh nghiệp 2 địa phương triển khai hoạt động bình thường trong điều kiện siết chặt các biện pháp phòng dịch”, ông Vũ nhấn mạnh.
Bàn về văn bản trên của tỉnh Đồng Nai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Phạm Ngọc Hưng cho rằng, hàng nghìn người lao động bị ảnh hưởng. Chống dịch nhưng phải có giải pháp phù hợp hơn để phát triển kinh tế.
“Người ta đi nhưng về không được, còn về rồi bị cách ly 21 ngày thì ai lo cho gia đình, miếng cơm manh áo của họ”, ông Hưng đặt câu hỏi.
Nhìn rộng vấn đề, Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, Đồng Nai, TP.HCM và Bình Dương thực chất là một khu kinh tế. Đó là các địa phương khác nhau nhưng có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Nếu quy định cứng việc cách ly 21 ngày người từ TP.HCM về thì rõ ràng ảnh hưởng kinh tế rất mạnh của cả 3 địa phương.
Như vậy quyết định làm thế nào để tránh lây nhiễm Covid-19 và phát triển kinh tế là phải hài hòa. Quyết định thì nên nhắm cụ thể đến nơi nào phong tỏa của TP.HCM mà phong tỏa thì TP.HCM đã có quy định giãn cách rồi.
“Làm như vậy thì hơi quá, tỉnh Đồng Nai nên có sự phối hợp với TP.HCM. Sự nóng vội sẽ tạo nên phản ứng không cân bằng, không tốt cho sự phát triển chung”, ông Dũng nói.
Khu công nghiệp hỏa tốc phản hồi sau khi Đồng Nai cách ly người về từ TP.HCM
Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho rằng quy định cách ly 21 ngày mà Đồng Nai áp dụng với người về từ TP.HCM gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Quảng Định
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét