Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

Bộ Công an nói về độ bảo mật của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Báo cáo tổng kết của Bộ Công an cho biết, quá trình thực hiện dự án đặc biệt quan tâm đến độ bảo mật về dữ liệu nên đã tập trung đầu tư công nghệ hiện đại nhất.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện các bộ chính thức nhấn nút kích hoạt vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dự án trên đi vào hoạt động từ ngày 1/7 kỳ vọng là bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.

Với kho dữ liệu khổng lồ lên đến hàng chục triệu thông tin, người dân đặc biệt quan tâm về tính bảo mật và quá trình Bộ Công an triển khai xây dựng nền tảng bảo mật trên.

Báo cáo tổng kết hai dự án, Bộ Công an khẳng định hai dự án trên được thực hiện theo nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”.

{keywords}
Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: Đoàn Bổng

Theo đó, ngay từ khi Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Bộ Công an đã xác định đây là một “chiến dịch” và khẩn trương triển khai thực hiện.

Sau chưa đầy nửa năm thần tốc triển khai xây dựng dự án, đến nay, toàn quốc đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 102 triệu phiếu thu thập thông tin dân cư DC01.

Ngày 18/6/2021, Bộ Công an cấp đồng loạt hơn 98 triệu số định danh cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống. Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Về độ bảo mật, Bộ Công an cho biết đã lựa chọn nhà thầu đối với 11 gói thầu của dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó Trung tâm Chính phủ điện tử thuộc Bộ TT&TT và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông tham gia tích cực vào dự án.

Quá trình thiết kế kỹ thuật hai dự án, Bộ Công an chỉ đạo lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu hiện nay. Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ để thẩm định bảo đảm yêu cầu này.

Thiết kế hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo mô hình tập trung, gồm: Trung tâm dữ liệu chính đặt tại Hà Nội (DC) và Trung tâm dữ liệu dự phòng đặt tại TP.HCM (DR). Trong đó có hơn 15.000 thiết bị, 14 phần mềm.

Dự án sử dụng giải pháp bảo mật do Ban Cơ yếu cung cấp. Các hàng hóa, thiết bị của dự án đều được kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chính hãng ngay từ nguồn gốc và xuất xứ từ các nước Mỹ, G7, EU, ASEAN.

Cùng với đó, lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ Công an kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng trong hệ thống, quá trình kiểm tra kịp thời phát hiện và loại bỏ nhiều mã độc, lỗ hổng bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin phục vụ triển khai dự án.

Bộ Công an nhấn mạnh, Tập đoàn Bưu chính viễn thông cùng với các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ tham gia, xây dựng thiết kế chi tiết của hệ thống (năm lần). Đồng thời được thẩm định bởi Bộ TT&TT giúp tiết kiệm chi phí hơn 300 tỷ đồng so với dự toán được phê duyệt.

Bên cạnh đó, việc thiết kế hệ thống giám sát tập trung bản đồ số được ví như “bộ não” của dữ liệu có thể phân tích và đưa ra được những dự báo hoạch định về kinh tế, y tế, giáo dục, phòng chống tội phạm…

Bộ Công an cho biết, thiết kế dự án sẵn sàng tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương thông qua trục tích hợp quốc gia (NGSP) theo quy định.

Hiện nay cơ sở dữ liệu sẵn sàng tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia, cho phép khai thác dữ liệu cơ sở dữ liệu dân cư thông qua kết nối Internet.

Bảo mật mức độ cao nhất

Nói về độ bảo mật, Bộ Công an chia thành hai góc độ đường truyền và về an ninh bảo mật thông tin dân cư.

Về đường truyền, tận dụng hạ tầng truyền dẫn của Bộ Công an và các phương án bảo mật đã được triển khai cho gần 12.000 điểm kết nối từ T.Ư đến cấp xã... Có giải pháp kết nối mạng trong - mạng ngoài để tổ chức kết nối với các cơ sở nghiệp vụ trong ngành và kết nối cơ sở dữ liệu Chính phủ, các dịch vụ công trực tuyến phục vụ khai thác, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ban, ngành và phát triển Chính phủ điện tử.

{keywords}
Thủ tướng và các đại biểu xác thực điện tử, kích hoạt vận hành chính thức hệ thống hai dự án

Dữ liệu trao đổi giữa hai mạng được truyền theo cơ chế một chiều có bảo mật đảm bảo an toàn mức độ cao nhất. Áp dụng bảo mật đường truyền của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Về an ninh, an toàn, bảo mật thông tin dân cư, hệ thống đáp ứng an ninh an toàn thông tin cấp độ 4 đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia theo quy định tại Nghị định 85 của Chính phủ.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu nghiệp vụ ngành được xác định độ mật theo quyết định của Thủ tướng.

Hệ thống sử dụng giải pháp bảo mật do Ban Cơ yếu cung cấp gồm xác thực/ký số toàn vẹn dữ liệu và bảo mật kênh truyền; áp dụng giải pháp bảo mật mã hóa cơ sở dữ liệu của hệ quản trị cơ sở dữ liệu Oracle. Xác định việc lưu trữ dữ liệu thông tin công dân trong hệ thống và các hồ sơ, tài liệu bản thiết kế chi tiết hệ thống thuộc chế độ tài liệu “Mật”.

Bên cạnh đó, Bộ Công an chỉ đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xây dựng quy định về bảo đảm an ninh mạng đối với hai hệ thống, bảo đảm an ninh, an toàn khi triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân với các cơ sở dữ liệu khác.

Đoàn Bổng

Bốn kết quả thần tốc của dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Bốn kết quả thần tốc của dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã cơ bản hoàn thành. Việc chuyển sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân sẽ sớm được thực hiện. 



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét