Tổng thư ký Quốc hội cho biết, lần đầu tiên Quốc hội bầu đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước nên theo tuần tự ngoài việc miễn nhiệm Chủ tịch nước, còn phải còn miễn nhiệm Thủ tướng.
Sáng 23/3, Tổng thư ký – Chủ nhiệm VPQH chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.
Trả lời câu hỏi của báo chí về công tác nhân sự, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội cuối cùng không phải việc mới và đã thực hiện tại Quốc hội khóa XIII nên không có gì vướng về mặt pháp luật.
Kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt và 25 chức danh
Tổng thư ký Quốc hội khẳng định, lần này chỉ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước chứ không phải tất cả. “Còn việc tuyên thệ là hiến định. Khi bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội thì các chức danh đó phải tuyên thệ, đó là nguyên tắc. Việc tuyên thệ có thể lặp lại ở kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới nhưng vẫn cần phải thực hiện”, ông Phúc nói.
Ông khẳng định việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo là tốt để các vị trí khi giữ cương vị Trung ương giới thiệu sẽ phát huy vai trò ngay để sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí. |
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định, việc Quốc hội dành 7 ngày làm nhân sự là quy trình không thể nào bớt được.
Quy trình là phải miễn các chức danh trước rồi mới bầu nhân sự mới. Chẳng hạn như chức danh Chủ tịch nước thì phải miễn nhiệm Chủ tịch nước hiện tại rồi mới làm quy trình bỏ phiếu bổ nhiệm tân Chủ tịch nước.
- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử khối Chính phủ
- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ được giới thiệu ứng cử khối Quốc hội
“Từ miễn nhiệm, bỏ phiểu đều phải thảo luận tại đoàn, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp tiếp thu, giải trình trước Quốc hội rồi mới tiến hành bỏ phiếu… Quy trình rất chặt chẽ. Chúng ta không thể bầu một lúc các chức danh mà trình tự từng chức danh một, không thể đi tắt được”, Tổng thư ký nhấn mạnh.
Ông cũng cho hay, việc bầu Ủy ban Thường vụ QH cũng tương tự, phải miễn nhiệm một số ủy viên thường vụ rồi mới bầu thành viên mới.
“Quy trình chúng ta làm từng bước một, làm đến đâu, chặt chẽ đến đó. Bầu thường vụ Quốc hội làm 3 đợt để đảm bảo nguyên tắc 2/3 Ủy viên Thường vụ tiến hành giải trình, cho ý kiến, trình nhân sự sau đó”, ông Phúc giải thích.
Theo ông Phúc, nếu đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới thì công tác nhân sự làm rất nhanh, có thể bầu 18 Ủy viên Ủy ban Thường vụ ngay một lúc.
Trả lời câu hỏi về số lượng nhân sự sẽ được Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp này là bao nhiêu, ông Phúc cho hay, sẽ kiện toàn các chức danh: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng và 25 chức danh khác.
Ngoài các chức danh lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội sẽ bầu Phó Chủ tịch nước; một số Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn một số Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Trả lời thắc mắc của báo chí về thông tin tại phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội thông cho biết sẽ bầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, ông Phúc giải thích rõ thêm về mặt kỹ thuật.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, lần đầu tiên bầu đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước nên theo tuần tự ngoài việc miễn nhiệm Chủ tịch nước, còn phải còn miễn nhiệm Thủ tướng.
Nếu miễn nhiệm Chủ tịch nước trước rồi bầu Thủ tướng làm tân Chủ tịch nước thì khi ấy Thủ tướng sẽ phải trình Quốc hội miễn nhiệm chính mình. Vì vậy có ý kiến thắc mắc “không thể có chuyện Thủ tướng miễn nhiệm mình”.
Vì vậy, theo tuần tự, Chủ tịch nước phải trình QH miễn nhiệm Thủ tướng, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo.
7 ngày làm công tác nhân sự
Thông tin trước đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.
Theo ông Tuấn, sau Đại hội XIII của Đảng, nhiều vị lãnh đạo chủ chốt của nhà nước không tái cử BCH Trung ương và Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ mới đối với một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số Ủy viên Trung ương.
Ông Vũ Minh Tuấn. |
“Thời gian qua, Bộ Chính trị tiến hành xem xét thận trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội Đảng và thống cao cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời các yêu cầu triển khai tổ chức Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bộ Chính trị cũng đề nghị Trung ương cho kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước tại kỳ họp này”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay.
Ngoài ra, Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3-2021.
Cũng tại kỳ họp này Quốc hội xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng 0,5 ngày để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Theo kết quả bầu cử tại Đại hội XIII vừa qua, có 9 thành viên Chính phủ không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Đó là Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 12 ủy viên không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Trong đó có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và 4 Phó chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ, Uông Chu Lưu. 7 ủy viên còn lại gồm: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình và Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy. |
Thu Hằng - Trần Thường
19 thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương công khai tài sản, thu nhập
19 thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII đã báo cáo kê khai, công khai tài sản, thu nhập lần đầu trước toàn thể lãnh đạo cấp vụ và tương đương trở lên.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét