Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Đề xuất xây dựng luật Tự phê bình và phê bình

Quốc hội chiều 29/3 tiếp tục thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, các ĐBQH đánh giá cao những thành tựu 5 năm qua tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục.

ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đánh giá, nhiệm kỳ qua bên cạnh những "sắc hồng" vẫn còn những điểm "không sáng", ông mong nhiệm kỳ tới Chính phủ quan tâm, đặc biệt đó là tình trạng giàu nghèo, tội phạm, đạo đức xã hội xuống cấp.

Phó Bí thư Ninh Thuận phân tích: "Cơ đồ đất nước sẽ ra sao nếu đạo đức xã hội có chiều hướng xuống cấp như hiện nay, một nét không sáng chút nào.

Bác Hồ đã nói "vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", theo tôi Chính phủ cần phải tới đây cần phải có giải pháp thực sự căn cơ, không để tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, không để tệ nạn có chiều hướng phát triển và đặc biệt quan tâm đến tệ nạn ma túy".

{keywords}
ĐB Nguyễn Bắc Việt

Để Chính phủ thực sự kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, theo ông trong nhiệm kỳ tới cần quan tâm xây dựng hai dự án luật, đó là dự án Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở và luật Tự phê bình và phê bình.

Việc xây dựng hai luật này có nền tảng, ông Việt lý giải: "Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở ta đã có pháp lệnh và các nghị định. Còn tự phê bình và phê bình đã có tác phẩm "Tự chỉ trích" của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, có bài báo của Bác Hồ khi viết về tự phê bình và phê bình rồi, kể cả sửa đổi lối làm việc.

Chỉ có thực thi và có luật thực hiện dân chủ ở cơ sở thì chính quyền mới thực sự của dân, do dân, vì dân. Việc xử lý được câu chuyện dân đến khiếu nại, tố cáo mà thực tế có một nguyên nhân do thực hiện chưa tốt dân chủ ở cơ sở. Còn tự phê bình và phê bình đấy là cán bộ, công chức, viên chức tự soi lại mình làm sao để cho dân tin, đấy là điểm thứ ba".

ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) đánh giá trong nhiệm kỳ, giữa nhiệm kỳ Quốc hội thường có lấy phiếu tín nhiệm Bộ trưởng, trưởng ngành "điều đó rất tốt". Tuy nhiên, ông cho rằng hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm chưa cao.

ĐB nhận định, vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu của các bộ, ngành, các cấp đôi khi còn dửng dưng, thờ ơ, như lời của Thủ tướng đã nói "trên bảo dưới không nghe, trên nóng, dưới lạnh".

Từ thực tế ở địa phương, Phó giám đốc sở KN&CN tỉnh Cà Mau thấy rằng, có những vướng mắc ở các sở, ban ngành của các cấp gửi lên cho các bộ có liên quan nhưng đâu đó vẫn còn chậm xử lý và nếu không nhắc tới thì xem như là trôi vào quên lãng.

Có một số Bộ trưởng trả lời lòng vòng, né tránh khi ĐBQH gửi chất vất bằng giấy và khi đọc trả lời, chính ĐB cũng không biết như thế nào và cũng không biết tiếp tục hỏi ai.

Chính vì vậy, ĐB đề nghị Quốc hội nhiệm kỳ tới cần xem xét lại việc lấy phiếu tín nhiệm, cần thiết phải có những phiên giải trình riêng làm rõ các vấn đề. Quốc hội cần có đánh giá sâu sát và phải xem đó là một giải pháp căn cơ để làm rõ hơn trách nhiệm của các vị Bộ trưởng, các vị trưởng ngành.

Chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức

Phát biểu cùng vấn đề, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu những kiến nghị của cử tri được các đoàn ĐBQH, các ĐBQH gửi tới nhưng chưa được Chính phủ trả lời hoặc thống nhất kết luận nhưng chưa thực hiện. Theo thống kê con số này lên tới hàng trăm.

{keywords}
ĐB Nguyễn Lân Hiếu.

Ông đề xuất: "Chính phủ có thể tổng kết các kiến nghị có số lượng ĐBQH, số lượng các đoàn ĐBQH đề xuất nhiều lần nhất và công khai ý kiến này ở các kênh thông tin đại chúng để cử tri theo dõi, giám sát". 

Dẫn chứng khi cử tri An Giang luôn chất vấn ông "tại sao kiến nghị xây đường tránh Long Xuyên không được thực hiện", ĐB Hiếu cho rằng, nếu Chính phủ có thể tổng kết bao nhiêu lần ông và đoàn ĐBQH An Giang đã đề cập đến vấn đề này thì chắc chắn cử tri có thể an tâm là ĐBQH đã cố gắng hoàn thành hết nhiệm vụ của mình.

Báo cáo các vấn đề đạo đức xã hội, phạm pháp càng ngày càng tăng khiến cử tri lo lắng, ĐB Hiếu cho rằng, lý do chủ yếu là chúng ta quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, đặc biệt là giáo viên trẻ.

Ông đánh giá: "Giáo dục là lĩnh vực mà chúng ta luôn nói là hàng đầu nhưng kết quả giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh của Chính phủ 2016 - 2021".

Ông mong Chính phủ nhiệm kỳ mới tập trung hơn nữa cho giáo dục, tập trung an sinh xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và mạnh khỏe.

Trần Thường - Thu Hằng

ĐB Phạm Thị Minh Hiền gửi tâm huyết đến Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ mới

ĐB Phạm Thị Minh Hiền gửi tâm huyết đến Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ mới

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu ra 2 vấn đề còn tồn tại, hạn chế và sự kỳ vọng của bà vào Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ tới.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét