Hà Nội đang gồng mình chống dịch với ngổn ngang mối lo sau Tết nhưng trong gian khó, Hà Nội vẫn sẵn sàng "chia lửa" với Hải Dương - tỉnh đang có số người nhiễm Covid-19 cao nhất nước.
Thông tin đăng tải trên Báo Dân trí cho thấy, dịch Covid-19 đã xuất hiện tại tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã của toàn tỉnh Hải Dương. Địa phương này đã phải thiết lập 11 vùng phong tỏa với nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Hiện tỉnh Hải Dương đang thực hiện giãn cách xã hội và tập trung mọi nguồn lực để ngăn chặn, tiến tới dập dịch.
Trong khi tỉnh Hải Dương cùng với sự chi viện của Bộ Y tế và lực lượng quân sự… đang gồng mình chống dịch thì ngày 16/2, "người hàng xóm" là TP Hải Phòng đã có thông báo yêu cầu dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hóa từ tỉnh Hải Dương. Rõ ràng thông báo này của TP Hải Phòng đã vi phạm Chỉ thị 05/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc "bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất".
Động thái trên khiến người dân và các doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương hết sức hoang mang khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất, tiêu thụ nông sản... tăng cao sau thời gian nghỉ Tết. Đời sống kinh tế, xã hội của địa phương này chắc chắn sẽ khó khăn chồng chất hơn sau biện pháp chống dịch kiểu "rào làng" của "người hàng xóm".
Với hàng ngàn ha rau màu vụ Đông đang trong thời kỳ thu hoạch, người nông dân Hải Dương sẽ lâm vào cảnh trắng tay nếu nông sản của họ không được vận chuyển tới nơi tiêu thụ kịp thời. Một năm mới với khởi đầu đầy khó khăn của tỉnh Hải Dương khi dịch bệnh hoành hành, sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa sẽ bị đình trệ nếu tiếp tục bị "bế quan tỏa cảng" từ các địa phương khác.
Sau thông báo của "người hàng xóm", tỉnh Hải Dương đã phải "cầu cứu" Bộ Công thương, UBND TP Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố có cửa khẩu, tạo điều kiện thông thương hàng hóa của địa phương mình.
Và khi Hải Dương gọi, Hà Nội đã đáp lời, dù rằng Thủ đô cũng đang phải căng mình chiến đấu với dịch Covid-19, đặc biệt là sau thời điểm Tết Nguyên đán, lượng người từ các địa phương khác quay trở lại tăng đột biến.
Cùng với việc triển khai nhiều biện pháp đối phó, kìm giữ và phòng, chống không để dịch lây lan trên diện rộng; Hà Nội còn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội ngay từ những ngày đầu năm mới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trong sáng 17/2 đã khẳng định sự quyết tâm của Thủ đô: "Chúng ta phải quyết tâm khống chế bằng được dịch Covid-19 để bảo đảm cho Hà Nội an toàn, từ đó giúp cả nước được an toàn".
Người dân cả nước tin vào quyết tâm chống dịch của Hà Nội và tin vào vài trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thông báo ngoài hỗ trợ kinh phí, khẩu trang, các phương tiện phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ các mặt để giúp Hải Dương xét nghiệm nhanh các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, Hà Nội sẽ tăng cường tối đa việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân và doanh nghiệp của tỉnh này.
Đây là quyết định không chỉ làm nức lòng dư luận mà quan trọng hơn hết là giúp người dân, doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Hải Dương trút được nỗi lo đè nặng suốt những ngày qua.
Dù biết rằng, khó khăn phía trước còn chồng chất, nhưng với sự chia khó từ Hà Nội, sự đồng hành, hỗ trợ của các Bộ, ngành, các địa phương và nhân dân cả nước, tin rằng, Hải Dương sẽ sớm khống chế, tiến tới đẩy lùi dịch Covid-19 và nhanh chóng ổn định mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
(Theo Dân trí)
Bí thư Hải Dương nói thẳng về việc "càng khống chế, dịch Covid-19 càng loang" tại tỉnh
"Những ý kiến trong dư luận nói Hải Dương chậm trễ, yếu kém nên dịch càng dập càng loang là chưa thấu hiểu chúng tôi"- Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét