"Chúng tôi cần lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm và quan trọng nhất là sự chia sẻ của người dân cả nước, vì mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh", một người dân huyện Cẩm Giàng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1962, thôn Hoàng Đường, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng) tranh thủ ngày nắng đưa mấy mẹt su hào thái nhỏ thành sợi đem phơi ở rìa đường.
Số su hào này, gia đình bà được tiếp tế từ các vựa trồng rau màu như Kim Thành, Gia Lộc đưa đến. Lo xa, bà Hoa thái nhỏ đem phơi để tính chuyện ăn dè.
“Mấy ngày qua, tỉnh cho phép các phương tiện được vận chuyển rau củ, thực phẩm từ các huyện trồng rau màu như Kim Thành, Gia Lộc, Thanh Miện… tiếp tế cho các xã, huyện khác đang cách ly nên tình trạng khan hiếm thực phẩm đã được giải quyết. Chứ không chúng tôi cũng lo”, bà Hoa cho hay.
Bà Hoa thái su hào đem phơi làm rau củ tích trữ |
Thôn Hoàng Đường (thị trấn Lai Cách) nằm giữa hai ổ dịch đang phong tỏa là thôn Tiền và khu dân cư Việt Mỹ. Thôn có 150 hộ với 400 nhân khẩu, thêm 200 công nhân ngoại tỉnh bám trụ từ trước Tết nguyên đán, đến nay vẫn chưa được về.
Ba lối vào thôn có chốt gác, do người dân trong thôn đứng ra túc trực, mỗi một ca có 3 - 4 người ròng rã mấy tuần qua. Nhiệm vụ của ca trực là không cho người ngoài vào làng.
Chốt kiểm soát ở cổng làng Hoàng Đường |
Một lối vào thôn được bịt |
Công an viên trực bên điểm chốt chặn |
Người từ trong thôn đi ra, nếu không có lý do chính đáng sẽ được yêu cầu quay trở lại. Nếu cố tình không chấp hành, tổ công tác sẽ báo cáo lên UBND thị trấn để xử phạt theo quy định.
Ông Vũ Văn Hồng (SN 1952, công an viên) cho hay: “Chúng tôi phải làm nghiêm, không cả nể được, có như thế mới giữ yên được đến bây giờ, không có ca nào dương tính dù thôn nằm giữa hai ổ dịch. Đã giữ được đến giờ này thì bà con phải cố gắng thêm vài ngày nữa. Nếu chẳng may xuất hiện thêm ca dương tính, thời gian cách ly lại thêm vài tuần nữa”.
Một người dân đi nhận rau tiếp tế |
Nhà bà Hoa ở gần chốt cho thôn mượn chiếc giường cũ để những người trực đêm nghỉ ngơi. Đến giờ ăn, mọi người đổi cho nhau về ăn cơm. Đã mấy tuần ròng rã, mọi người dường như đã thành nếp.
Chị Đặng Thị Thoan (thành viên trong Hội phụ nữ của thôn) cho hay, con em trong thôn đã ủng hộ 5 tấn gạo, 250 chai dầu ăn và nhiều trứng, mì tôm… để chia sẻ cho các trường hợp khó khăn, hỗ trợ cho các công nhân thuê trọ. Ngoài ra, chùa làng Hoàng Đường cũng phát tâm cứu trợ cho người dân trong thôn, cùng nhau vượt qua đại dịch.
“Trong thôn có hộ anh Vũ Văn Nam nuôi 7.000 con gà, thuê 3 lao động ngoài xã về trông nom cũng tự bỏ tiền ra để đưa công nhân đi xét nghiệm Covid-19. Bà con đều rất ý thức, tuân thủ theo quy định phòng dịch”, chị Thoan nói.
Thành lập tổ Covid-19 cộng đồng
Những ngày này, Cẩm Giàng chủ trương thành lập các “Tổ covid cộng đồng” làm các đầu mối hỗ trợ mặt trận tổ quốc tiếp nhận hàng của người dân cả nước hỗ trợ vùng dịch. Phương châm là ưu tiên cho những gia đình khó khăn, chính sách và công nhân thuê trọ - đối tượng không có thu nhập từ trước Tết tới giờ do nghỉ làm.
Chủ tịch thị trấn Lai Cách Nguyễn Văn Minh bên số hàng hóa, rau củ hỗ trợ |
Chủ tịch thị trấn Lai Cách Nguyễn Văn Minh cho biết, số gạo tiếp nhận được khoảng hơn 5 tấn, đã phân phát được 2 tấn cho 500 công nhân đang trọ tại thôn Tiền – một trong hai ổ dịch đang cách ly.
Lai Cách có gần 15.000 nhân khẩu, 2.000 công nhân thuê trọ, nhu cầu lương thực mỗi ngày khoảng 8 tấn.
“Tuy nhiên không phải hộ nào cũng cần cứu trợ, vì bà con có ruộng cấy lúa, vẫn giữ thói quen tự sản tự tiêu. Đối tượng cần quan tâm nhất là các công nhân ngoại tỉnh đang trọ tại đại phương. Họ tuân thủ quy chế phòng dịch, không về quê nên chính quyền cũng có trách nhiệm” – ông Minh cho hay.
Những câu chuyện chia ngọt, sẻ bùi của người dân vùng dịch không bao giờ thiếu trong những ngày này |
Cùng chung hoàn cảnh, Tân Trường – xã đầu tiên tại Cẩm Giàng phong tỏa từ ngày 3/2 có hơn 14.000 nhân khẩu người địa phương và 3.000 công nhân thuê trọ.
Chủ tịch xã Tân Trường Vũ Văn Thuận chia sẻ: “Ngoài cứu trợ lương thực, thực phẩm, bà con cũng mong muốn huyện có phương án để người dân được ra đồng cho kịp thời vụ. Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã đưa phương án cấp thẻ ra đồng cho người dân, cử trưởng thôn đứng ở các lối ra làm đồng để xác nhận nhân thân cư dân thôn mình. Vừa chống dịch, vừa sản xuất, đó là điều bà con mong muốn nhất”.
Vị lãnh đạo xã cũng cho biết, chính quyền cơ sở luôn lắng nghe nguyện vọng của người dân, điều chỉnh kịp thời, linh hoạt các chủ trương, chỉ đạo. Khi có quyết định học online tại nhà, huyện đã chỉ phát các bản tin tuyên truyền chống dịch trên loa phát thanh vào trước và sau giờ học.
Ông đồng nát, bà chủ tạp hóa và chiếc xe 'ọc ạch' ở ổ dịch Cẩm Giàng
Chiếc xe cải tiến, phương tiện mưu sinh của lão nông buôn sắt vụn tại xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, hơn 1 tuần qua đưa cả trăm chuyến lương thực, thực phẩm tiếp tế cho hàng ngàn người dân tại ổ dịch.
Kiên Trung
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét