Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy cho biết, ông chưa nhận được báo cáo nào nói về việc đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch.
Trao đổi với VietNamNet sáng nay (26/8) về việc ĐBQH Phạm Phú Quốc đoàn TP.HCM trả lời trên báo Tuổi trẻ "có quốc tịch Síp, do gia đình bảo lãnh", Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Trần Văn Túy nói: "Tôi cũng mới tiếp nhận thông tin này qua báo chí và mạng xã hội".
Theo ông Túy, đến thời điểm này, cá nhân ông cũng như Ban Công tác đại biểu chưa nhận được báo cáo nào nói về việc đại biểu Phạm Phú Quốc sở hữu 2 quốc tịch. Hiện ông Túy đã chỉ đạo cơ quan giúp việc của Ban Công tác đại biểu xác minh rõ thông tin này.
Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc. |
Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, liên quan đến hộ chiếu, hộ tịch, trước hết phải chờ sự xác minh của các cơ quan quản lý hộ chiếu, hộ tịch xem đại biểu Phạm Phú Quốc có hai hộ chiếu, hộ tịch hay không.
Trên cơ sở đó, Ban Công tác đại biểu mới đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM. Đoàn sẽ yêu cầu cơ quan tổ chức hiệp thương giới thiệu ông Phạm Phú Quốc ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, năm 2016 là Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM có quan điểm về việc này.
Sau đó, Ban Công tác đại biểu mới tập hợp toàn bộ hồ sơ trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Và chỉ có Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng về trường hợp của ông Phạm Phú Quốc có vi phạm luật hay không.
Theo ông Túy, đại biểu Quốc hội có quyền miễn trừ nên quy trình, thủ tục xem xét các thông tin liên quan đến đại biểu Quốc hội phải được xem xét, tiến hành chặt chẽ.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thông tin thêm là trong quá trình làm đại biểu Quốc hội, cá nhân mỗi đại biểu nếu có thay đổi về lý lịch đều phải báo cáo cơ quan quản lý. Đối với trường hợp của đại biểu Phạm Phú Quốc, đến thời điểm này, cơ quan có thẩm quyền không hề nhận được báo cáo nào của đại biểu về việc có 2 quốc tịch.
Do đó, các cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ thời điểm đại biểu Phạm Phú Quốc nhận hộ chiếu Cộng hòa Síp là khi nào để đối chiếu vào các quy định của pháp luật.
“Vấn đề 2 quốc tịch, trường hợp này là đại biểu Quốc hội, phải hết sức trân trọng những cử tri đã bầu ra đại biểu. Vậy nên chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục phù hợp với quy định”, ông Túy nói.
Trả lời báo Tuổi Trẻ vào hôm qua (25/8), đại biểu Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Síp từ giữa năm 2018 do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông “mua” quốc tịch như thông tin công bố từ hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar).
Thu Hằng
Đang xác minh thông tin một ĐBQH "mua" hộ chiếu đảo Síp
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy đã giao Vụ Công tác đại biểu kiểm tra thông tin một Đại biểu Quốc hội có tên trong danh sách các chính trị gia mua hộ chiếu châu Âu.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét