Các nhà thầu chính của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã chia nhỏ gói thầu, giao cho các nhà thầu phụ thực hiện mà không kiểm soát được chất lượng. Có nhà thầu chỉ thi công 400 mét.
Có nhà thầu chỉ thi công 400 mét
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, chiều dài toàn tuyến 139,2 km, tổng vốn đầu tư khoảng 34,5 ngàn tỷ đồng. Dự án đầu tư này sử dụng vốn vay ODA của JICA và WB, vốn đối ứng trong nước.
Quá trình thi công được chia thành 2 giai đoạn, tương ứng với 2 đoạn tuyến của dự án.
Tuy nhiên, khi vừa hoàn thành, tuyến cao tốc này đã vá chằng vá đụp, có tới 291 vị trí hư hỏng, ổ gà, ổ voi phải sửa chữa khắc phục trong thời gian qua; diện tích mặt đường cao tốc hư hỏng khoảng 1.663m2.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố hình sự 19 người liên quan tại VEC, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi "vá chằng vá đụp". |
Báo cáo kết quả điều tra vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VEC vừa được Bộ Công an gửi tới Thủ tướng đã chỉ ra những bất cập trong đầu tư xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dẫn tới dự án vừa khai thác đã hư hỏng.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã chọn được các nhà thầu nước ngoài có năng lực như: Công ty OHL (Tây Ban Nha) thi công gói thầu số 7; Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) thi công gói thầu A1 và A4; liên danh Tập đoàn Sơn Đông - Giang Tô (Trung Quốc) thi công gói thầu A2, A3; Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) thi công gói thầu A5.
Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, ký hợp đồng xây lắp, chủ đầu tư theo đệ trình của các nhà thầu đã cho rất nhiều đơn vị thầu phụ là các doanh nghiệp xây dựng trong nước tham gia mà không phải thông qua công tác đấu thầu. Các nhà thầu này được giao thi công các hạng mục chính, quan trọng của dự án thay cho nhà thầu chính.
Các gói thầu bị chia nhỏ cho nhiều đơn vị thực hiện. Thậm chí, có nhà thầu chỉ thực hiện 0,4km (Công ty Anh Cường tại gói thầu A3, từ km101+800 đến Km102+400).
Ngoài ra, cùng một lý trình nhưng các hạng mục do các nhà thầu khác nhau thực hiện. Tại lý trình từ km 101+800 đến km 102+240 thuộc gói thầu A3, Công ty Anh Cường thi công lớp vật liệu đất nền, Tập đoàn Giang Tô thi công lớp vật liệu phối đá dăm, Công ty Wiecovina thi công lớp vật liệu đá dăm gia cố nhựa, Công ty Tranimexco thi công lớp bê tông nhựa.
Việc chia nhỏ gói thầu nhưng không có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực thầu phụ, thầu thứ cấp, dẫn đến mất khả năng kiểm soát chất lượng công trình xây dựng. Liên danh nhà thầu Trung Quốc cũng tự giải thể khi dự án còn nhiều công đoạn chưa thực hiện, công trình chưa được bàn giao chính thức. Trong khi đó, theo thỏa thuận hợp đồng giữa VEC và đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị này có thẩm quyền cấp chứng chỉ hoàn thành công trình để phục vụ việc bàn giao, thanh quyết toán công trình xây dựng.
Công an đã khởi tố nhiều đối tượng trong quá trình điều tra dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi |
Tư vấn giám sát thiếu kinh nghiệm
Công tác tư vấn giám sát cũng bị Bộ Công an điểm mặt nhiều vấn đề bất hợp lý. Tổng công ty VEC ký hợp đồng thuê liên danh tư vấn giám sát OC-KEI-SMEC (Nhật Bản) giám sát thi công đoạn cao tốc Đà Nẵng - Tam Kỳ (Quảng Nam), và CDM Smith (Mỹ) giám sát thi công đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi, nhưng trên công trường chỉ có một số ít là kỹ sư nước ngoài; phần lớn là các kỹ sư người Việt yếu năng lực, thiếu kinh nghiệm giám sát dự án.
Các đơn vị tư vấn giám sát không có công cụ để kiểm tra chất lượng, thí nghiệm độc lập mà phụ thuộc vào nhà thầu thi công. Vì vậy, tư vấn giám sát không phát huy được tính độc lập, tự chủ về chuyên môn, không giám sát được chất lượng công trình nhưng vẫn ký xác nhận chất lượng công trình.
Từ bài học của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bộ Công an đã kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát lại các văn bản pháp luật có liên quan trong tất cả các khâu đấu thầu, thi công, giám sát, thanh quyết toán để khắc phục những bất cập.
Theo đó, cần quy định ràng buộc trách nhiệm, tăng tính độc lập, giám sát chuyên môn của nhà thầu thiết kế, giám sát, thi công trong quá trình làm dự án. Đặc biệt là tránh tình trạng chia nhỏ các gói thầu, giao nhiều nhà thầu phụ không đủ năng lực làm dự án, dẫn đến mất kiểm soát chất lượng công trình.
Ngoài ra, Bộ Công an cho rằng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện dự án; phân định rõ trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn thực hiện dự án để chủ đầu tư, nhà thầu thi công có điều kiện về vốn, hoàn thành các hạng mục công trình.
Kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định quá trình thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Tổng công ty VEC, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế dự án được duyệt, dẫn đến công trình hư hỏng khi vận hành khai thác. Đánh giá của Phân viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải phía Nam cũng cho thấy, chất lượng xây dựng 65 km đường cao tốc, đoạn TP Đà Nẵng - TP Tam Kỳ (Quảng Nam) mặt đường không bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án nên khi gặp thời tiết nóng nắng kéo dài, mưa nắng đột ngột, kết hợp tác động của tải trọng, lưu lượng xe trên tuyến dễ bị hư hỏng. |
Hà Duy
Cao tốc 34.000 tỷ vừa vá lại 'lở loét' lồi lõm
Vừa được sửa, mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn thuộc địa phận xã Hòa Phong (Đà Nẵng) lại bị bong tróc nham nhở.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét