Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Thảo luận văn kiện Đại hội 13, tạo không khí tranh luận, phản biện

Ban Tổ chức T.Ư lưu ý, phát huy cao nhất trí tuệ khi thảo luận các dự thảo văn kiện Đại hội 13, văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, tạo được không khí sôi nổi, tranh luận, phản biện tại đại hội.

Ban Tổ chức Trung ương vừa có văn bản gửi các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương về việc nâng cao chất lượng các văn kiện và tổ chức thật tốt việc thảo luận tại đại hội.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng đã chủ động, sáng tạo chỉ đạo quyết liệt tổ chức thành công đại hội các tổ chức cơ sở đảng.

{keywords}
Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu phát huy cao nhất trí tuệ của các đại biểu trong thảo luận các dự thảo văn kiện Đại hội 13 của Đảng

Qua tổng hợp báo cáo của 12 đoàn công tác do các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm trưởng đoàn chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 35 tại các đảng bộ trực thuộc Trung ương và rút kinh nghiệm qua đại hội các tổ chức cơ sở đảng và đại hội điểm cấp trên trực tiếp cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương đề nghị lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng các văn kiện và tổ chức thật tốt việc thảo luận tại đại hội.

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm

Cụ thể, các cấp ủy cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa các yêu cầu của Chỉ thị 35, nhất là những tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp” trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến tham gia và tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo văn kiện.

Cấp ủy cấp trên trực tiếp phải đặc biệt coi trọng việc thẩm định, phê duyệt văn kiện của cấp dưới, kiên quyết chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung nếu chưa đáp ứng yêu cầu.

Về Báo cáo chính trị, Ban Tổ chức Trung ương lưu ý, phần đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng như phần nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ 2020 - 2025 nên nghiên cứu kết cấu theo 3 mục lớn: Xây dựng Đảng với 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng; Phát triển kinh tế - xã hội; Bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại.

Trong đó, cần tập trung cao hơn cho công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 phải khách quan, trung thực, sát thực tế; khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của đảng bộ đối với kết quả đạt được trên từng lĩnh vực; kết hợp chặt chẽ việc đánh giá thực hiện nghị quyết của đảng bộ với việc thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược mà Đại hội 12 của Đảng đã xác định.

Phần đánh giá chung, Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu phải làm rõ ưu điểm, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và tổng kết cách làm hay, sáng tạo, thành quả nổi bật để đúc rút những bài học kinh nghiệm sâu sắc, sát thực tế.

Trong phần phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Tổ chức Trung ương lưu ý, phải dự báo sát tình hình, xác định đúng tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh, sự khác biệt để đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu có tính phấn đấu cao, các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, có tính khả thi cao về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại.

Đồng thời lựa chọn đúng nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá để phát triển nhanh, bền vững địa phương, cơ quan, đơn vị nhiệm kỳ 2020 - 2025, với tầm nhìn xa hơn, đến năm 2030 và năm 2045.

Tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị

Về Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, báo cáo phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị. Căn cứ các nhiệm vụ của cấp ủy đã được nêu trong các quy định, văn bản của Đảng để kiểm điểm, tránh trùng lặp nội dung với báo cáo chính trị.

Trong đó, tập trung kiểm điểm, làm rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, triển khai thực hiện các nghị quyết, quy định của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, thực hiện trách nhiệm nêu gương gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngoài ta, Ban Tổ chức Trung ương cũng lưu ý việc chú trọng kiểm điểm việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy; việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc, qua đó xác định rõ trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể để đề ra lộ trình, biện pháp phù hợp nhằm sớm sửa chữa, khắc phục.

Về tổ chức thảo luận các văn kiện, Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu phải phát huy cao nhất trí tuệ của các đại biểu trong thảo luận các dự thảo văn kiện Đại hội 13 của Đảng, văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp và cấp mình, tạo được không khí sôi nổi, tranh luận, phản biện tại đại hội.

Cần chỉ đạo các tiểu ban, tổ giúp việc chủ động tham mưu cho cấp ủy làm tốt việc gợi ý thảo luận các dự thảo văn kiện. Cùng với đó, tập trung gợi ý các nội dung lớn, khó, mới, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp đột phá hoặc vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, những nội dung liên quan trực tiếp đến địa phương, cơ quan, đơn vị; gửi nội dung gợi ý thảo luận trước cho các đại biểu dự đại hội để có đủ thời gian nghiên cứu kỹ, chuẩn bị ý kiến có chất lượng phát biểu tại đại hội.

Thu Hằng

Cách thức giới thiệu trường hợp đặc biệt vào Bộ Chính trị, BCH Trung ương

Cách thức giới thiệu trường hợp đặc biệt vào Bộ Chính trị, BCH Trung ương

Khóa 11 có bốn nhân sự quá 60 tuổi là trường hợp đặc biệt được giới thiệu vào BCH TƯ khóa 12 và một nhân sự là trường hợp đặc biệt được giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đại hội 13 việc này sẽ được thực hiện thế nào?



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét