Giám đốc công an không phải người địa phương là một cách để đào tạo, vừa làm trong sạch bộ máy, tránh tình trạng nể nang, dung túng.
Trao đổi với VietNamNet, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu (người vừa rời ghế Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An hôm 1/7) nói, ông rất ủng hộ chủ trương giám đốc công an tỉnh không phải là người địa phương.
Đừng nghĩ họ về là mất chỗ của anh em tại chỗ
Tướng Cầu nhìn nhận, giám đốc công an được luân chuyển, bổ nhiệm về địa phương thời gian gần đây cơ bản là những nhân sự trẻ, được đào tạo cơ bản. Vì vậy, khi Bộ Công an giao trọng trách cho họ làm thủ trưởng công an một tỉnh “tôi thấy hoàn toàn yên tâm”.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu |
“Tôi thấy anh em giám đốc công an được luân chuyển từ địa phương khác đều có nhiều cố gắng, tạo nhiều thay đổi và có bước đột phá sau khi nhận nhiệm vụ. Hầu hết các anh em hoạt động khá tốt, bám địa bàn nhanh chóng và giúp địa phương thay đổi được tình thế”, nguyên Giám đốc Công an Nghệ an nhận xét.
Tất nhiên, theo ông Cầu, khi về nhận nhiệm vụ tại một địa phương mới, anh em cần có thời gian để am hiểu địa bàn. Nhưng đấy cũng là chuyên môn của ngành công an nên không có gì khó khăn.
“Vấn đề quan trọng là do nhân tố con người. Người nào đam mê với công việc, có trách nhiệm thì đi đâu cũng tốt”, tướng Nguyễn Hữu Cầu nói.
Theo nguyên Giám đốc Công an Nghệ An, ngành công an vốn có đặc thù là thực hiện mệnh lệnh rất tốt. Chính vì vậy khi luân chuyển cán bộ, lãnh đạo về nơi mới thì đều được tạo điều kiện tối đa.
“Từ cấp ủy đến chính quyền, cán bộ chiến sỹ khi có thủ trưởng mới họ đều phấn khởi, không có chuyện phân biệt đối xử, địa phương cục bộ. Nhất là với đặc trưng của ngành công an, “quân lệnh như sơn”, anh em phải chấp hành nên không có vấn đề gì cản trở”, tướng Cầu chia sẻ.
Hơn nữa với ngành công an, hầu như ở đâu cũng vậy, thủ trưởng nào cũng thế, anh em đều tôn trọng. Vì vậy, “đừng nghĩ họ về là mất chỗ của anh em tại chỗ". Các nhân sự tại chỗ cũng sẽ được luân chuyển đi nơi khác.
“Ví dụ như tôi vừa nghỉ Giám đốc Công an Nghệ An thì anh Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an Hà Tĩnh ra thay. Còn anh Lê Khắc Thuyết, Phó Giám đốc Công an Nghệ An vào Hà Tĩnh giữ chức Giám đốc thay anh Hải. Tôi thấy anh em cũng không có tâm tư gì”, nguyên Giám đốc Công an Nghệ An dẫn chứng.
Ông cũng chia sẻ, khi luân chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, họ có thiệt thòi là phải xa gia đình nhưng bù lại những nhân sự này sẽ có nhiều thời gian dành cho công việc.
Tướng Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, chủ trương giám đốc công an không phải là người địa phương là một cách để đào tạo nguồn nhân lực rất tốt. Bộ Công an đưa nhân sự về địa phương để đào tạo qua nhiều môi trường công tác, để anh em rèn luyện, trưởng thành.
“Từ TƯ về địa phương môi trường khác hoàn toàn để anh em gần dân, có điều kiện cọ sát thực tiễn, sau này họ lên TƯ đề ra các chủ trương chính sách sát thực tiễn hơn”, tướng Cầu phân tích và muốn là các ngành khác cũng thực hiện như ngành công an.
Không còn nể nang, bao che
Phó đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đánh giá rất cao chủ trương luân chuyển, bố trí những cán bộ làm giám đốc công an không phải người địa phương.
Ông dẫn chứng thực tế Giám đốc Công an Thái Bình, Đồng Nai sau khi thay đổi người từ nơi khác đến, những vấn đề phức tạp, tình hình ở địa phương thay đổi ngay.
ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, giám đốc công an mới họ thực hiện chủ trương nhất quán, chỉ đạo truy quét tội phạm đến nơi, đến chốn, phá nhiều vụ án nổi cộm như vụ Đường Nhuệ ở Thái Bình nhiều năm không phá được. Hay như ở Đồng Nai thì hàng loạt lãnh đạo, cán bộ công an tỉnh bị kỷ luật.
ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa: Khi giám đốc công an không phải người địa phương, không có bà con, quen biết sẽ không bị tác động, họ sẽ làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình |
“Rõ ràng có những vụ việc mà giám đốc công an là người địa phương chưa làm được. Tôi cho rằng thực tế có hiện tượng những người đứng đầu ngành công an một số tỉnh bao che hoặc là không làm đến nơi đến chốn nhiệm vụ được giao trong một số vụ việc xảy ra, để tội phạm lộng hành gây bức xúc trong nhân dân”, ông Hòa phân tích.
Theo ông Hòa, việc thời gian gần đây, Bộ Công an bổ nhiệm, điều động hàng loạt giám đốc công an tỉnh không phải người địa phương là một hình thức làm trong sạch bộ máy của lực lượng công an rất đáng ghi nhận.
Khi đó, công an tỉnh làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình, không xảy ra tình trạng bao che, dung túng, truy đến cùng tội phạm xảy ra.
Bày tỏ cảm thông sâu sắc với các giám đốc khi phải xa nhà, nhưng ông cho rằng, khi không có bà con, thân nhân, không quen biết ai thì họ sẽ làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình, không có tình trạng nể nang bao che, cũng không bị tác động bởi một ai đó.
“Phải nói rằng gần đây, Bộ Công an có những đổi mới trong công tác cán bộ. Từ việc đề bạt, bổ nhiệm chức danh giám đốc công an các tỉnh, cục trưởng các cục, thậm chí là các thứ trưởng đều là những nhân sự rất trẻ, thậm chí chỉ mới mang hàm thiếu tướng đã đề bạt thứ trưởng”, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nói.
Theo ĐBQH, khi thay đổi bộ máy cũng có phần xáo trộn nhưng quan trọng là chọn đúng người, đúng việc, chọn người có tâm, có tầm, uy tín chứ không phải chọn người nhà, sân sau, phe cánh để bố trí.
“Vừa rồi tỉnh tôi cũng có sự thay đổi, Giám đốc Công an Vĩnh Long về làm Giám đốc Công an Đồng Tháp, Phó Giám đốc Công an Đồng Tháp về làm Giám đốc Công an Vĩnh Long. Và tôi thấy Giám đốc Công an mới của tỉnh làm rất tốt nhiệm vụ và hòa nhập cũng nhanh chóng, tôi đánh giá rất cao”, ông Hòa nói.
Thu Hằng
12 tân giám đốc công an vừa được bổ nhiệm cuối tuần qua
Trong 2 ngày 26-27/6, Bộ Công an liên tiếp công bố quyết định của Bộ trưởng Công an bổ nhiệm giám đốc công an của 12 tỉnh, thành phố và một số đơn vị nghiệp vụ trực thuộc.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét