Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Ban Bí thư sẽ ban hành quy chế phối hợp về kiểm soát tài sản của quan chức

UB Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ đồng tình phương án Ban Bí thư sẽ ban hành quy chế phối hợp kiểm soát tài sản, thu nhập quan chức.

Chiều ngày 22/7, Tổ Công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ về tình hình xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết luật đã có hiệu lực pháp luật và sẽ có hiệu lực pháp luật từ 1/1/2021.

Trong 9 bộ ngành còn nợ 26 văn bản có Thanh tra Chính phủ còn nợ trình dự thảo nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong khi Luật Phòng, chống tham nhũng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019,  nghị định này vẫn chưa được ban hành.

{keywords}
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Đinh Văn Minh

Giải thích về sự chậm trễ này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Đinh Văn Minh cho biết, quá trình xây dựng dự thảo nghị định này rất khó khăn.

“Đúng ra cuối năm 2019, chúng ta đã phải kê khai tài sản, thu nhập theo Luật Phòng, chống tham nhũng mới. Nhưng đến nay vẫn chưa kê khai được vì chưa ra được nghị định, trong khi từ nay đến cuối năm thời gian không còn dài, nên tôi rất lo ngại”, ông Minh nói.

Đảng, chính quyền cùng kiểm soát tài sản, thu nhập

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân đầu tiên là do Luật Phòng, chống tham nhũng quy định nhiều cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập,  nhưng không lường đến câu chuyện là có những người thuộc nhiều cơ quan quản lý; vừa bên Đảng, vừa bên chính quyền kiểm soát tài sản, thu nhập.

Trong khi, quy định của Đảng và quy định của pháp luật có sự khác nhau. Đảng quy định, kiểm soát tài sản, thu nhập là vấn đề của cấp uỷ. Đặc biệt, Bộ Chính trị có Quy định số 85 quy định rõ, cán bộ diện nào thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra Trung ương kiểm soát.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định, Thanh tra Chính phủ rất nhiều lần xin ý kiến Chính phủ và Chính phủ đề nghị xin ý kiến Bộ Chính trị.

“Các đồng chí cho ý kiến đều nói là làm sao vừa đúng quy định của pháp luật, vừa phù hợp với quy định của Đảng, nhưng quy định của Đảng và pháp luật thì khác nhau. Cuối cùng, chúng tôi đề xuất phương án có quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập”, ông Minh phân tích.

Ông Minh cho biết, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến các cơ quan Đảng về vấn đề này. Dự họp có  đạii điện Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương... Các cơ quan này đều đồng tình phương án có quy chế phối hợp về kiểm soát tài sản, thu nhập do Ban Bí thư ban hành.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thiện báo cáo, hồ sơ (kèm dự thảo nghị định và dự thảo quy chế phối hợp) được Bộ Tư pháp thẩm định và đã trình Chính phủ.

“Ngày 16/7, chúng tôi nhận được văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ sớm  tổng hợp xin ý kiến Ban Bí thư về nội dung quy chế phối hợp”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Văn Minh thông tin và cam kết, cố gắng trong tuần này, Thanh tra Chính phủ sẽ có văn bản xin ý kiến Ban Bí thư.

“Tất cả hồ sơ hiện đã đủ, dự thảo nghị định, dự thảo quy chế phối hợp đều đủ rồi. Còn khi nào trình Chính phủ dự thảo nghị định thì phải đợi Ban Bí thư có ý kiến về quy chế phối hợp. Tinh thần chung chúng tôi cố gắng sớm nhất”, ông Minh cho hay.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng “rất sốt ruột”. 

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá cao nội dung giải trình của các Bộ ngành đã làm rõ nhiều vấn đề.

"Xây dựng văn bản chi tiết là việc khó, vất vả, đề nghị các Bộ quan tâm, tạo điều kiện cho các Vụ Pháp chế thực hiện nhiệm vụ. Sau buổi kiểm tra, các đơn vị có báo cáo cụ thể các Bộ trưởng và giữ cam kết thời hạn hoàn thành", Chủ nhiệm VPCP nói.

Theo ông Dũng, VPCP và Bộ chủ trì sẽ cùng các cơ quan liên quan ngồi lại, thống nhất về các vấn đề còn ý kiến khác nhau, tìm kiếm sự đồng thuận  bởi với nhiều vấn đề phức tạp thì “văn bản qua lại” không xử lý được, phải ngồi trực tiếp để thảo luận, thống nhất.

Các nội dung tại buổi kiểm tra sẽ được Tổ công tác tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới.

Thu Hằng

Cán bộ giàu nhanh mà không trung thực thì không còn cơ hội

Cán bộ giàu nhanh mà không trung thực thì không còn cơ hội

Chẳng ai bắt cán bộ, đảng viên phải nghèo nhưng với mức lương nhà nước hiện nay mà "giàu nhanh" là bất thường, cần phải loại ra khỏi quy hoạch nhân sự khóa mới như Tổng bí thư lưu ý.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét