6 tháng đầu năm 2020 TP.HCM thu ngân sách chỉ đạt 164.503 tỷ đồng, thấp hơn gần 29.000 tỷ so với 6 tháng đầu năm 2019.
Sáng nay (23/7), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi sơ kết tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2020.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, cú sốc từ dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các chỉ số phát triển kinh tế của TP.HCM |
Theo kế hoạch năm 2020, Trung ương giao cho TP.HCM thu ngân sách hơn 405.000 tỷ đồng, tăng 1,68% so với năm 2019.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm chỉ được 164.503 tỷ đồng. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2019 thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM đạt 193.310 tỷ đồng,
Như vậy, có thể nhìn thấy trong 6 tháng đầu năm 2020, TP.HCM đã hụt thu ngân sách gần 29.000 tỷ đồng so với năm 2019, tương đương 1,25 tỷ USD (theo giá hiện hành).
Trước tình hình nói trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cấp, các ngành phấn đấu trong 6 tháng cuối năm, phải có các biện pháp để làm sao thu ngân sách đạt dự toán được giao.
Theo đó, ông Phong cho biết tuần sau sẽ chủ trì cùng các đơn vị sở Tài chính, Cục thuế, Hải quan, Ngân hàng… phối hợp các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ thu chi ngân sách. Tìm các giải pháp pháp tăng cường nuôi dưỡng nguồn thu, thu thuế nợ đọng, chi ngân sách đúng dự toán, tiết kiệm chi, hạn chế khoản phát sinh. Liên ngành trong cuộc họp phải có giải pháp tham mưu cho Thường trực UBND TP định hướng tập trung nguồn thu chủ yếu thế nào để đạt được chỉ tiêu thu theo dự toán được giao.
“Phải nỗ lực hết sức mình, không phải vì khó khăn mà bỏ quên trách nhiệm của chúng ta. Trong khó khăn càng phải thấy trách nhiệm nặng nề với TP và nhân dân cả nước”, ông Phong chỉ đạo.
Người đứng đầu TP cho biết, từ đầu năm 2020 TP đưa ra kế hoạch tăng trưởng là 8,3%, nhưng cú sốc Covid-19 khiến kịch bản bị phá vỡ, không chỉ TP mà cả nước và trên toàn cầu. Theo đó, 6 tháng đầu năm TP.HCM chỉ đạt tăng trưởng 2% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn).
Lý do tăng trưởng thấp, theo ông Phong trong cơ cấu kinh tế của TP, sản phẩm dịch vụ chiếm hơn 60%, mà đây là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất bởi Covid-19, nhất là dịch vụ du lịch, khách sạn, lưu trú...
Ông Phong đơn cử, khách nước ngoài đến TP hàng năm khoảng 8,6 triệu người, thời gian lưu trú 3,5 ngày với mức chi tiêu 145 USD/ngày. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến du khách không thể đến TP du lịch.
Thứ hai, doanh nghiệp (DN) của TP chiếm 50% của cả nước, nhưng cơ cấu DN nhỏ và vừa chiếm hơn 90%, rất dễ gãy đổ trong cơn bão dịch Covid-19.
Từ đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thời gian từ nay đến cuối năm và có thể xa hơn vẫn phải hướng về mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. “Bằng mọi giá không để dịch bùng phát mạnh trở lại, vì đợt sóng sau bao giờ cũng cao hơn đợt sống trước, không cho phép bất cứ một ai chủ quan”, ông Phong lưu ý.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, ảnh hưởng từ dịch, TP đã đưa ra ba kịch bản tăng trưởng kinh tế là 3%, 4% và 5%, do đó cần tập trung quyết liệt các giải pháp đề ra, để đạt được kịch bản cao nhất là 5%.
Thủ tướng yêu cầu TP.HCM không để sự trì trệ làm nghẽn đầu tư công
Làm việc với TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP không để sự trì trệ làm nghẽn giải ngân đầu tư công và các nguồn lực vốn đầu tư khác.
Hồ Văn
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét