Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký quyết định ban hành kế hoạch xây dựng đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài.
Kế hoạch nhằm nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng ban hành chính sách, giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về người tài nói chung, trong đó có chính sách thu hút nhân tài gốc Việt về làm việc tại Việt Nam.
Đồng thời đưa ra chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại tổ công tác giúp việc Chủ tịch UB quốc gia về chính phủ điện tử, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại bộ, ngành, địa phương và chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.
Cùng với đó là đề xuất cơ chế phát hiện, bồi dưỡng tài năng từ học sinh, sinh viên, đặc biệt là đội ngũ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc ở trong nước và nước ngoài để tạo nguồn cán bộ lâu dài.
Qua đó, tạo cở sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ TƯ đến cơ sở.
Để có cơ sở thực tiễn, Bộ Nội vụ sẽ khảo sát tại 5 Bộ: KH-CN, GD-ĐT, Ngoại giao, LĐ-TB-XH, Tư pháp và 5 địa phương: Quảng Nam, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Nội dung khảo sát tập trung vào chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao và thực trạng tuyển dụng, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ đánh giá những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; đưa ra những giải pháp, kiến nghị để thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.
Đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm
Hôm qua, tổ chuyên gia xây dựng dề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài họp phiên đầu tiên để góp ý dự thảo đề cương của đề án.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa |
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và cho rằng, thời kỳ nào nhân tài được trọng dụng, thời kỳ đó thịnh vượng; đất nước nào phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ tốt với nhân tài, đất nước đó phát triển.
Theo ông, câu chuyện thu hút, trọng dụng nhân tài được quan tâm đề cập nhiều qua các kỳ Đại hội Đảng và hội nghị TƯ. Luật Viên chức (năm 2019) đã định ra những cơ sở pháp lý cơ bản đối với chính sách nhân tài...
Thứ trưởng đề nghị thành viên tổ chuyên gia làm rõ các vấn đề liên quan đến phát hiện nhân tài, phân biệt được người có tài năng; sau khi phát hiện thì đặt ra cơ chế để thu hút, trọng dụng, sử dụng để làm sao “dụng nhân như dụng mộc” và cuối cùng là các chính sách đãi ngộ đối với nhân tài.
Phó viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, tổ trưởng tổ chuyên gia Tạ Ngọc Hải cho biết, theo dự thảo đề cương đề án đề ra nhiều giải pháp chú trọng đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Gắn chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài với thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với từng nhóm đối tượng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ, năng suất lao động, hiệu quả công tác và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực của đất nước.
Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người có triển vọng tài năng cũng như các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài và xử lý nghiêm những người lợi dụng chính sách nhân tài để trục lợi, vi phạm pháp luật…
Tổ chuyên gia đề nghị có “thang đo” cụ thể, lượng hóa được hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá người tài, nếu không các chính sách sẽ trở thành lý thuyết và rất khó phát hiện ai là nhân tài. Phát hiện nhân tài như “đãi cát tìm vàng”, do đó, “phải chỉ ra được và nhận diện được nhân tài thế nào, nếu đãi cát tìm vàng mà không biết vàng thế nào thì tìm sao được”.
Thu Hằng
Ông Dương Trung Quốc nói về nhân tài, Giám đốc bệnh viện Tim ‘sốc’
Cuộc tranh luận giữa Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và ĐB kỳ cựu Dương Trung Quốc diễn ra tại phiên thảo luận của QH.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét