Khó khăn đầu tiên mà chúng ta phải vượt qua là quy mô của thảm họa và đường hướng khắc phục hậu quả đều chưa từng có tiền lệ trên thế giới.
Nhận diện quy mô của thảm họa do phơi nhiễm chất độc da cam đối với con người và thiên nhiên Việt Nam là một quá trình khó khăn. Nhưng để khắc phục nó còn là một quá trình khó khăn hơn, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải có quyết tâm chính trị rất lớn và tìm ra những biện pháp công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam để từng bước khắc phục thảm họa.
Khó khăn đầu tiên mà chúng ta phải vượt qua là quy mô của thảm họa và đường hướng khắc phục hậu quả đều chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Trước chiến tranh Việt Nam, có những cuộc chiến khác cũng đã từng sử dụng vũ khí hoá học và các loại chất độc, nhưng chưa bao giờ có việc sử dụng chất độc hóa học nhằm vào con người và thiên nhiên với quy mô lớn như vậy.
Khi sử dụng những chất độc này như một vũ khí kiềm chế đối phương, chính người Mỹ cũng chưa hề nhận thức được tác hại rộng lớn, lâu dài và khủng khiếp của nó.
Hai bé gái đi qua khu rừng đước bị chất độc da cam hủy hoại. Ảnh: VAVA |
Vì vậy, trên thế giới cũng chưa có những công nghệ để khắc phục một thảm họa trên quy mô lớn như vậy. Khi nhận thức được quy mô của thảm họa và hậu quả lâu dài, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhận ra rằng đang đứng trước thử thách rất lớn mà chưa thể trông cậy vào bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài khi vấn đề chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam chưa phải là một thử thách quốc tế. Chưa có những thông lệ để giải quyết trên bình diện pháp lý cũng như chưa có kinh nghiệm thực tiễn để xử lý những tồn tại trên con người và tự nhiên ở Việt Nam.
Tìm con đường khắc phục tác hại khủng khiếp của chất độc da cam/dioxin là con đường bắt buộc chúng ta phải đi, chúng ta phải tự tìm biện pháp khắc phục hậu quả xã hội, cũng như tìm ra các phương pháp khoa học, công nghệ phù hợp để khắc phục những tồn dư của loại chất độc này trong tự nhiên và con người.
Trước hết phải xây dựng những khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành các chế độ, chính sách, để ứng xử với hàng triệu nạn nhân da cam trên đất nước Việt Nam. Đảng, Nhà nước đã ban hành hàng loạt văn bản pháp lý, xây dựng các chính sách áp dụng cho nạn nhân da cam.
Các chính sách đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Có hơn 350.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người tàn tật, trong đó có các hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm ngàn lượt người được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.
Những chế độ chính sách này vẫn liên tục hoàn thiện bổ sung theo phương châm ai là nạn nhân da cam, dù thuộc thế hệ trước hay sau đều được tiếp tục thụ hưởng. Đến nay đã có chính sách cho đời thứ 3 của nạn nhân trực tiếp chất độc da cam. Rõ ràng chúng ta đã khắc phục được một điểm quan trọng trong một vấn đề xã hội chưa từng có tiền lệ trên thế giới.
Tháng 10/1980, Chính phủ Việt Nam thành lập Ủy ban đặc biệt (UB 10-80) với nhiệm vụ điều tra hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, do Giáo sư bác sĩ Hoàng Đình Cầu làm Chủ tịch.
Ngày 1/3/1999, Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc da cam (Ban chỉ đạo 33) ra đời để xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án và chỉ đạo, quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hoá học từ trung ương đến địa phương, xử lý các vùng ô nhiễm nặng…
Ngày 17/12/2003, Hội Nạn nhân chất độc da cam (VAVA) chính thức hoạt động, nhằm vận động nguồn lực trong và ngoài nước để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vươn lên hoà nhập cộng đồng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân, đấu tranh buộc Mỹ phải thực hiện tham gia khắc phục thảm hoạ da cam ở Việt Nam do họ gây nên.
Ngày 5/7/2002, Bộ Chính trị ra thông báo số 69 về chủ trương giải quyết hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất cấp bách hiện nay…
Ngày 24/5/2017, Chính phủ ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 701), do Thủ tướng làm Trưởng ban; Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực, giúp Chính phủ xây dựng kế hoạch, trực tiếp tổ chức công tác phối hợp với các bộ ngành liên quan, triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy hiệu quả hơn nữa hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin và bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
Một em bé bị tật bẩm sinh vì phơi nhiễm chất độc da cam. Ảnh: World Nomads Journals |
Khắc phục hậu quả dioxin trong thiên nhiên
Hậu quả da cam không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài tới thiên nhiên, môi trường sống. Khắc phục nó cũng là vấn đề chưa từng có tiền lệ trên thế giới.
Trước hết phải xác định những điểm còn tồn dư lớn lượng chất độc dioxin. Sau nhiều năm nghiên cứu và khảo sát, chúng ta đã xây dựng được bản đồ ô nhiễm dioxin trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó xác định các sân bay Đà Nẵng, Phù Cát, Biên Hoà là 3 “điểm nóng”.
Tiếp theo, phải tìm được công nghệ phù hợp để làm sạch các ổ ô nhiễm dioxin. Đây không chỉ là một công trình khoa học mà còn là một thách thức với ý chí, quyết tâm, tinh thần tự lực tự cường của người Việt Nam. Bởi vì trước chúng ta, trên thế giới chưa có quốc gia, dân tộc nào phải đứng trước thử thách này.
Chúng ta đã bắt tay vào việc nghiên cứu công nghệ tẩy rửa và làm sạch vùng đất ô nhiễm dioxin từ rất sớm. Trong nhiệm vụ này, có sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các địa phương, đơn vị quân đội đứng chân trên các địa bàn từng bị phơi nhiễm chất dioxin.
Trên thực tế, thách thức về khoa học trong việc xử lý các vùng bị ô nhiễm dù rất khó khăn nhưng thách thức lớn nhất là quy mô những vùng bị phơi nhiễm rất rộng, lại gần các khu dân cư, khối lượng đất đá phải làm sạch, tiêu tẩy là rất lớn. Trong khi nguồn lực của chúng ta có hạn nên tốc độ xử lý những vùng bị ô nhiễm nặng tại sân bay Biên Hoà, Đà Nẵng, Phù Cát… khó có thể đẩy nhanh để sớm giải phóng những vùng đất chết, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, ngăn chặn phơi nhiễm cho những nạn nhân mới, dù chiến tranh đã qua đi hàng chục năm.
Muốn đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả những vùng đất này phải cần tới những nguồn lực lớn. Do đó, việc vận động các đối tác từ bên ngoài tham gia như những dự án môi trường - nhân đạo là rất cần thiết. Đảng, Nhà nước ta đã sớm có những chủ trương chính sách phù hợp để huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài nước tham gia vào chương trình này.
Đối với các đối tác kinh tế - khoa học đến từ bên ngoài, đây không chỉ thuần tuý là dự án nhân đạo, mà còn là cơ hội cho các hoạt động và nghiên cứu khoa học về môi trường. Việt Nam được xem là trường thử lớn nhất và duy nhất trên thế giới để tiến hành các thực nghiệm xử lý ô nhiễm dioxin trên diện rộng, với quy mô công nghiệp.
Trên thực tế, đến nay ở Việt Nam đã thử nghiệm 6 công nghệ xử lý dioxin bao gồm: Công nghệ sinh học của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (2009); Công nghệ phân huỷ hoá có MCD của New Zealand; Công nghệ giải hấp nhiệt MCScủa TTI; Công nghệ phân huỷ bằng hoá học và sinh học của HPC của Đức; Công nghệ giải hấp nhiệt tại mố IPTD của Mỹ; công nghệ tẩy rửa đất nhiễm dioxin của tập đoàn Shimizu/Nhật Bản.
Trong quá trình triển khai, các đối tác nước ngoài đã có những bài học kinh nghiệm xử lý chất độc dioxin, qua từng dự án sự tiến bộ của các chuyên gia nghiên cứu nước ngoài đã giúp cho việc xử lý dioxin trở nên hiệu quả hơn, nhanh hơn.
Những kết quả đó chắc chắn sẽ giúp họ tham gia thành công vào các dự án xử lý dioxin tương tự trên thế giới. Đây cũng là những công nghệ lưỡng dụng mà họ có thể áp dụng cho các dự án xử lý ô nhiễm môi trường cho các trường hợp khác nhau.
Đối với Việt Nam, chương trình khắc phục hậu quả chất độc da cam trên các lĩnh vực xã hội, con người và tự nhiên là một thử thách lớn nhưng cũng là cơ hội lớn để rèn luyện tinh thần tự lực tự cường, học tập, trau dồi kiến thức khoa học trong lĩnh vực khắc phục các sự cố môi trường. Đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với các cơ quan, đơn vị và tổ chức của Việt Nam khi tham gia các dự án dioxin.
Những kinh nghiệm, kiến thức thu thập được khi tham gia khắc phục hậu quả ô nhiễm dioxin được tích lũy và sẽ được phát huy trong những hoạt động bảo vệ, khắc phục ô nhiễm môi trường trong đời sống hiện đại.
Đặc biệt, trong thời đại 4.0, nắm bắt được các công nghệ xử lý ô nhiêm môi trường có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xử lý chất thải khó phân hủy phát sinh trong quá trình sản xuất công nghiệp và đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Ngoài ra, bên cạnh áp dụng các phương pháp xử lý các vùng ô nhiễm dioxin, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã nghiên cứu và tim tòi các công nghệ và phương pháp nhằm cải thiện sức khoẻ cho những người bởi bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Bệnh viện Quân y 175/Bộ Quốc phòng đã áp dụng thành công phương pháp Ron Hubbar – phương pháp được nhà khoa học L. Ron Hubbard nghiên cứu, ứng dụng thành công ở Mỹ và Nga sau thảm họa Chernobyl năm 1986. Đặc biệt Học viện Quân y đã nghiên cứu phương pháp rất Việt Nam là “hấp nhiệt” điều trị nạn nhân nhiễm dioxin. Trong các kết quả khảo sát lâm sàng cho thấy nhiều triệu chứng nhiễm độc dioxin đã được cải thiện, sức khoẻ người bệnh được nâng lên.
Trong nhiều năm qua, với nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta đã từng bước khắc phục “nỗi đau da cam”. Nhờ có những chính sách kịp thời và đúng đắn, hàng triệu nạn nhân chất độc da cam đã được chăm lo giúp đỡ.
Cùng với quá trình khắc phục hậu quả, làm dịu nỗi đau cho con người, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách kịp thời để phát huy nội lực, tự lực tự cường và tinh thần sáng tạo dám nghĩ dám làm để từng bước khắc phục hậu quả của thảm họa này đối với thiên nhiên, môi trường.
Chúng ta cũng đã tích cực đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân, kêu gọi sự hợp tác quốc tế để khắc phục thảm họa và qua đó cảnh tỉnh nhân loại hãy cảnh giác với những tham vọng dùng chiến tranh hoá học để huỷ diệt môi trường sống, huỷ diệt con người.
Tân Phong
Chất độc da cam/dioxin: Bí mật sau làn khói khai quang
Sau hơn 40 năm, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt nhưng “nỗi đau da cam” vẫn dai dẳng hành hạ dày vò nhiều gia đình Việt Nam.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét