Phó Thủ tướng lưu ý, nếu công tác cán bộ làm không công khai, minh bạch sẽ dẫn đến lợi ích nhóm, nảy sinh các loại “chạy” thì sẽ làm thui chột cán bộ, cán bộ tốt cũng thành xấu.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Nội vụ hôm nay, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao các kết quả, thành tích khá toàn diện mà ngành nội vụ đã đạt được trong năm 2019, trong đó nổi bật là việc tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng một số luật trình QH thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn hình thức
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý việc quản lý lĩnh vực tổ chức nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới, của đất nước và của Chính phủ. Việc đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa thực chất, còn hình thức và chưa là cơ sở chính xác để thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ...
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình |
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, nhiệm vụ của ngành Nội vụ trong năm tới là hết sức quan trọng và rất nặng nề, đòi hỏi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, ngành nội vụ cần nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong triển khai nhiệm vụ, nhất là phục vụ đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội 13 của Đảng.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị ngành Nội vụ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ. Cụ thể là chú trọng các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật.
Đồng thời rà soát những chính sách bất cập trong công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, nâng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực hình thức trong quy định điều kiện về văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.
Xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm cụ thể, lấy kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao là cơ sở quan trọng để đánh giá, phân loại. Việc xác định biên chế phải bảo đảm khoa học, sát thực tế, tránh việc áp đặt bình quân giữa các bộ, ngành, địa phương.
Còn đất cho cán bộ tiêu cực phát triển thì cán bộ tốt cũng thành xấu
Theo Phó Thủ tướng, nếu làm tốt cải cách tiền lương với tinh giản biên chế, đặc biệt khu vực sự nghiệp công sẽ tạo ra chuyển biến rất lớn. Trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng phải khách quan, công tâm, cán bộ công chức có cơ hội như nhau để phấn đấu, được xem xét bổ nhiệm.
Điều này rất là quan trọng, là động lực để xây dựng được đội ngũ cán bộ giỏi, có phẩm chất, có chuyên môn, có đạo đức, có năng lực, có trình độ cống hiến.
"Còn nếu công tác cán bộ không công khai, không minh bạch sẽ có vây cánh, địa phương quản trị cục bộ, "chạy" các loại "chạy", chạy tuổi, chạy chức, chạy bằng cấp…
Điều này sẽ làm thui chột động lực phấn đấu của những cán bộ giỏi mà trung thực và là điều kiện cho những cán bộ cơ hội phát triển trong đội ngũ của chúng ta. Còn để đất cho cán bộ tiêu cực phát triển thì cán bộ tốt cũng thành xấu, hoặc cán bộ tốt sẽ bị thui chột ngọn lửa cống hiến của mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Vì vậy ông cho rằng cần phải chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của cán bộ công chức, viên chức hiện nay.
Phó Thủ tướng thường trực cũng lưu ý, trước đây, ở một số địa phương có ban hành chính sách “thu hút nhân tài” khác nhau. Qua quá trình làm việc, cần có giải pháp để sàng lọc, đánh giá việc thu hút người có tài năng vào làm việc khu vực công, đồng thời cũng xem xét lại những người dôi dư hiện nay thế nào, cách giải quyết ra sao. Trong quá trình làm việc của công chức cũng phải có thử thách, sàng lọc đối với những người thuộc diện “thu hút nhân tài” trước đây.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, tiến hành đánh giá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, bộ máy.
Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất mô hình nhất thể hóa các chức danh đồng cấp, bảo đảm cơ cấu cán bộ, công chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế.
Phó Thủ tướng thường trực cũng đề nghị ngành Nội vụ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, bảo đảm đoàn kết nội bộ và đề cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ.
Tinh giản hơn 50.000 biên chế Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết năm 2019, Bộ Nội vụ đã đề ra phương châm hành động là “Tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin”, toàn ngành đã chủ động, tập trung, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, đạt được những kết quả quan trọng. Thứ trưởng Nội vụ cho hay, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước hiện có 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với 2015; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng giảm nhiều. Từ năm 2015 đến ngày 20/12/2019, cả nước đã thực hiện tinh giản biên chế 50.547 người. |
Thu Hằng
Sáp nhập huyện xã: Cán bộ dôi dư hưởng 3 tháng lương/năm nghỉ hưu trước tuổi
Bộ Nội vụ sáng nay tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét