Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Người đã chết vẫn còn nợ thuế, người thừa kế phải nộp

Theo nhiều ĐB, nằm trong đối tượng được đề xuất xử lý tiền nợ thuế, thực tế có những người chết vẫn có người thừa kế pháp lý. Như vậy đối tượng thừa kế phải có trách nhiệm.

Chiều nay, thảo luận dự thảo nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) bày tỏ đồng ý về sự cần thiết phải ban hành nghị quyết này.

{keywords}
ĐB Thái Trường Giang. Ảnh: Minh Đạt

Theo ông, chúng ta không thể không xóa những khoản nợ không bao giờ có thể thu được của người nộp thuế bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, khi người nộp thuế lâm vào tình trạng phá sản, giải thể hoặc các trường hợp bị thiên tai, bất khả kháng.

Ông cho hay, ở các nước trên thế giới đều có cơ chế để thực hiện việc xóa nợ cho những khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi. Đó là người nộp thuế đã chết hay mất tích, những khoản thuế phát sinh quá lâu thường là từ 3-5 năm, những khoản nợ thuế của những đối tượng không có khả năng thanh toán và bị tuyên bố phá sản…

ĐB Giang đánh giá, các biện pháp xử lý nợ thuế đã được quy định rất đầy đủ, rõ ràng và minh bạch, đặc biệt là các điều kiện để được xử lý nợ tại dự thảo nghị quyết, tránh được việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nếu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện người nộp thuế quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa.

Ông đề nghị bổ sung đối với trường hợp mất tích, mất năng lực hành vi mà quay trở lại hoặc được khôi phục năng lực hành vi thì cũng không được xóa nợ thuế và tiền phạt nộp chậm.

Tránh lợi dụng chính sách làm thiệt hại ngân sách

ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đề nghị phải nghiên cứu kỹ và xem xét các đối tượng đã làm thủ tục giải thể, phá sản nhưng có thể thành lập DN với tên khác, do người của họ đứng tên.

{keywords}
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ: Cần ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Ảnh: Minh Đạt

Theo bà, điều này phát hiện không phải là dễ, bởi số tiền được xét xóa nợ tiền phạt chậm nộp liên quan đến đối tượng này là không nhỏ, chiếm tỷ trọng đến 96,5% trong tổng số tiền xử lý nợ là 16.357 tỷ đồng.

ĐB lưu ý, việc xử lý nợ vừa tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế nhưng cũng cần phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ì nợ thuế.

Bà Thơ cho rằng, số tiền xóa nợ rất lớn nên dự thảo nghị quyết cần nêu rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan khi để xảy ra việc xóa nợ thuế sai đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách hoặc lợi ích nhóm làm thiệt hại ngân sách nhà nước.

Về các đối tượng được đề xuất xử lý tiền nợ thuế đó là người chết, song thực tế có những người chết vẫn có người thừa kế pháp lý, nghĩa là vẫn tồn tại theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Điều này có nghĩa vẫn có các nghĩa vụ tài sản được thực hiện như các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước tiền phạt. Như vậy, trường hợp này đối tượng thừa kế vẫn phải có trách nhiệm.

ĐB Trương Trọng Nghĩa thì cho hay, trên cơ sở nghiên cứu của nhiều quốc gia, quyết định này chúng ta đã làm tổn thất ngân sách. Ông làm phép tính, nếu chúng ta thu được 20.000 tỷ, chia cho mỗi hộ nghèo 1 triệu đồng thì có 20 triệu hộ nghèo, 20 triệu người thuộc diện chính sách có thể được hưởng số này.

Theo ông, nếu ta chỉ thông qua về nguyên tắc thì quá trình triển khai thực hiện lại có thể đẻ ra tiếp nhiều tiêu cực. Cho nên chuyện nói là cứ quyết đi rồi sau này phát hiện sẽ xử lý, thu hồi chắc chắn là việc rất khó.

{keywords}
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Cơ quan thuế theo dõi từng đối tượng. Ảnh: Minh Đạt

Giải trình làm rõ, theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, nghị quyết này áp dụng cơ chế như luật Quản lý thuế số 38 nhưng áp dụng xử lý nợ cho giai đoạn trước ngày 1/7/2020 để không làm phát sinh thêm nợ ảo, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp mà không thể thu hồi được, không còn đối tượng để thu hồi nợ.

Theo ông, không phải ban hành nghị quyết này là để xóa ngay được nợ mà phải căn cứ vào từng đối tượng, từng hồ sơ đáp ứng các điều kiện cụ thể về hồ sơ, thủ tục thì mới được xử lý nợ.

Ông Dũng cho hay, hiện nay cơ quan thuế theo dõi từng đối tượng cụ thể trong diện được xóa nợ, khoanh nợ.

Hương Quỳnh - Thu Hằng - Trần Thường

Công chức làm việc hơn 8h, trưa không nghỉ, tối về muộn

Công chức làm việc hơn 8h, trưa không nghỉ, tối về muộn

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, hiện cán bộ công chức làm việc với mục đích là làm hết việc chứ không phải hết giờ làm.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét