Sau hơn 40 năm, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt nhưng “nỗi đau da cam” vẫn dai dẳng hành hạ dày vò nhiều gia đình Việt Nam.
Năm 1961, tình hình chiến sự ở Việt Nam diễn biến theo chiều hướng bất lợi, khiến chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ, lực lượng không quân hùng mạnh của Hoa Kỳ ngày càng bất lực trước chiến thuật đánh du kích của quân giải phóng.
Những người lính Việt cộng ẩn nấp dưới tán rừng rậm nhiệt đới đã gây tổn thất nặng nề cho quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn, phá vỡ âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, quân đội Bắc Việt còn lợi dụng địa hình hiểm trở của Trường Sơn, xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh - tuyến vận tải chiến lược nhằm tăng cường chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Quân đội Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tiến công nhằm phá hủy, cắt đứt tuyến đường này nhưng đều thất bại.
Ảnh: Word Press |
Sát thủ vô hình
Để thoát khỏi tình thế thụ động và cắt đứt nguồn chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam, quân đội Hoa Kỳ quyết định trước tiên sẽ loại bỏ những “chướng ngại vật” ngăn cản thị giác phi công, buộc quân cộng sản phải lộ diện trước hoả lực của quân đội Mỹ. Ngày 12/4/1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nhận được một báo cáo về hoạt động quân sự của Mỹ tại Việt Nam, trong đó có đề xuất sử dụng hoá chất diệt cỏ (còn gọi là chất khai quang) để phá huỷ những khu rừng, nhằm phát hiện và đẩy lui lực lượng vũ trang giải phóng Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Mỹ ủng hộ kiến nghị này với lí do thời điểm đó chất diệt cỏ là phương tiện tiết kiệm nhưng hiệu quả lại cao nhất nếu muốn hủy hoại những khu rừng. Một số nhân vật có ảnh hưởng trong Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại chiến dịch có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Mỹ với người dân Việt Nam và khiến Mỹ bị buộc tội xúc tiến một dạng chiến tranh hoá học. Tuy nhiên, bỏ qua những lo ngại đó, Washington rốt cuộc vẫn phê chuẩn việc sử dụng chất diệt cỏ trong chiến dịch mang mật danh Ranch Hand.
Các chất diệt cỏ này được vận chuyển và tích trữ tại sân bay Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai rồi sau đó là sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định. Căn cứ theo bản đồ hoạch định kế hoạch Ranch Hand, lực lượng Mỹ tại sân bay Biên Hoà chịu trách nhiệm rải dioxin ở một số vùng thuộc Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lực lượng ở sân bay Đà Nẵng chịu trách nhiệm các vùng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Còn lực lượng ở sân bay Phù Cát chịu trách nhiệm vùng Tây Nguyên và một số vùng duyên hải miền Trung.
Ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ lần đầu tiên sử dụng máy bay H -34 rải chất hoá học dọc theo lộ 14 thuộc tỉnh Kon Tum, mở đầu cho hành động huỷ diệt tàn bạo kéo dài hơn 10 năm sau đó. Đến tháng 11 cùng năm, Tổng thống Mỹ John Kennedy ra lệnh chính thức tiến hành chiến dịch Ranch Hand.
Trong thời kỳ này, nội dung tuyên truyền của chính quyền Sài Gòn và Mỹ đều không đề cập đến tác hại của chất diệt cỏ, làm cho mọi người tin rằng chất này vô hại. Theo luận điệu của quân xâm lược, thuốc diệt cỏ được dùng để “khai quang”, triệt phá các lùm cây rậm rạp, không phải là thuốc độc, chỉ có tác dụng làm héo cây, rụng lá và tuyệt nhiên không gây độc hại cho người và vật nuôi, cũng như nguồn nước.
Tuy nhiên, ít người biết rằng trong các loại thuốc này có này chứa Dioxin - loại chất độc xếp vào hàng nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ bởi khả năng reo rắc cái chết mà nó còn để lại những di chứng cho nhiều đời sau. Khoảng 419 loại hợp chất có liên quan đến dioxin đã được xác định nhưng có khoảng 30 loại trong số này được xem là có độc tính cao nhất. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ từng sử dụng 15 loại thuốc diệt cỏ, mang tên da cam, xanh, trắng, hồng và tím, đều là hỗn hợp của các loại dioxin khác nhau.
Trong đó, chất độc da cam là hỗn hợp hai loại thuốc diệt cỏ 2-4-D và 2-4-5-T, là một trong những hỗn hợp chất độc nguy hiểm nhất. Chất dioxin thực ra là một chất lỏng trong suốt; cái tên “da cam” xuất phát từ các thùng có sơn màu cam dùng để chứa và vận chuyển loại chất độc này.
Khi được rải xuống một khu rừng, chất độc da cam tiêu diệt toàn bộ thảm thực vật bất kể loại nào. Chúng phá huỷ rễ cây, làm lá khô héo và rụng, biến một khu rừng rợp lá xanh trở nên trơ trụi, chết chóc. Không chỉ vậy, chất độc da cam còn ngấm xuống đất, ngăn chặn sự phát triển của các loại cây sau này, phá huỷ ngành nông nghiệp và gây nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam dioxin Việt Nam cho biết: “Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành hơn19.000 phi vụ, rải hơn 80 triệu lít hoá học diệt cỏ có chứa chất dioxin cực kỳ độc hại, trút xuống 26.000 làng bản miền Nam Việt Nam, gây thảm hoạ nghiêm trọng tới môi trường sinh thái và huỷ diệt sự sống con người. Hiện có trên 4,8 triệu người Việt Nam đang là nạn nhân di nhiễm chất độc”.
Nói về di chứng của chất độc da cam, Giáo sư Vũ Quý, nhà khoa học có hơn 30 năm nghiên cứu hậu quả chất độc dioxin cho biết: “Không có nỗi đau nào khủng khiếp và nguy hiểm như nỗi đau da cam. Nó đẩy con người vào hoàn cảnh cùng cực. Dioxin là loại chất độc di truyền qua phủ tạng kéo dài, đau đớn hết đời này qua đời khác. Hàng chục loại bệnh nguy hiểm hành hạ người nhiễm, hành hạ đến chết vẫn chẳng buông tha, hành hạ tiếp con cháu của họ. Các thế hệ sau ra đời từ dòng máu của người bố bị nhiễm chất độc da cam càng bi thảm hơn”.
Không chỉ người dân Việt Nam, ngay cả những cựu binh Mỹ, Hàn Quốc, Australia… tham chiến tại Việt Nam cũng bị phơi nhiễm. Theo nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân - Không quân Mỹ ở Việt Nam giai đoạn 1968 – 1970, ít nhất 2.100 phi công Mỹ bị phơi nhiễm. Hàn Quốc có 100.000 trong tổng số 300.000 lính từng tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó 20.000 người đã chết.
Nước Mỹ sau chiến tranh Việt Nam phải đối mặt với “Hội chứng da cam” đeo đẳng toàn xã hội. Cựu binh Briamd Money ở thành phố Boston những năm 1966 - 1968 tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam, là một trong những người bị nhiễm chất độc do chính quân đội Mỹ rải thảm tại nơi đơn vị ông đóng quân, cho biết trong số quân nhân và cố vấn Mỹ ở Việt Nam trở về có hàng vạn người bị di nhiễm chất độc da cam, bị bệnh ung thư, tiểu đường và nhiều căn bệnh quái dị đã chết và đang chết. Con cháu của họ bị quái thai, dị tật, úng não, bại liệt cũng đang chết dần. Không ít cựu binh Mỹ từ Việt Nam về mắc chứng rối loạn tâm thần được gọi là “Hội chứng Việt Nam”, nguyên do cũng từ di nhiễm chất độc da cam.
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: NYT |
Những bí mật được hé lộ
Mặc dù tác hại của chất độc da cam đối với con người vô cùng thảm khốc, tuy nhiên phải đến những năm 70 của thế kỉ trước, di chứng chất độc da cam mới dần được đưa ra ánh sáng. Có những căn cứ quan trọng và đầy đủ cơ sở khoa học để chính phủ Việt Nam xác định chất độc da cam là thảm hoạ mang tầm quốc gia.
Giữa những năm 1960, tại miền Nam Việt Nam xuất hiện và tăng đột biến nhiều trẻ sơ sinh bị dị dạng mà không rõ nguyên nhân. Là một bác sĩ sản khoa, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ/Sài Gòn mang trong mình nỗi niềm thương xót trước những sinh linh bé bỏng, đã cất công tìm đọc nhiều tài liệu y khoa để mong tìm hiểu nguyên do hiện tượng lạ này, đồng thời yêu cầu bệnh viện Từ Dũ lưu lại những hài nhi quái thai.
Bác sĩ Phượng mày mò tìm kiếm, nhờ bạn bè tìm giúp tài liệu về nghiên cứu cho thấy, trong chiến tranh, Mỹ đã từng rải rất nhiều chất diệt cỏ, làm trụi lá cây trên nhiều vùng đất, cánh rừng của Việt Nam; con người sống trong những vùng đất này có thể bị ảnh hưởng chất độc hoá học và sinh ra quái thai. So sánh các vùng đất Mỹ rải chất diệt cỏ với quê quán của những người mẹ sinh quái thai đang được lưu giữ tại bệnh viện, bác sĩ Phượng bàng hoàng nhận ra, hầu hết địa chỉ của các bà mẹ đều nằm trong vùng rải chất độc.
Sau khi đất nước thống nhất, bác sĩ Phượng đã thực hiện một nghiên cứu trên 1000 hộ gia đình ở xã Thanh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Kết quả cho thấy, tỷ lệ những người sống trong vùng bị rải chất độc da cam sinh ra con dị tật cao gấp 3-4 lần. Năm 1983, bác sĩ Phượng đã công bố báo cáo này trên một tạp chí khoa học của Anh.
Không chỉ những người dân Việt Nam sống trong các vùng bị rải chất độc da cam mà ngay ở nước Mỹ, những binh sĩ Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam, tỷ lệ mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tiểu đường và các căn bệnh nan y, quái thai dị dạng… tăng đột biến. Trong số các cựu binh Mỹ là nạn nhân của chất độc da cam, cần nhắc đến tấn bi kịch của gia đình Đô đốc Elmo Zumwalt - người đã ra lệnh rải chất da cam lên các cánh rừng và các dòng sông ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, cũng chính là nơi con trai ông làm nhiệm vụ.
Mệnh lệnh đó của Đô đốc Zumwalt không chỉ gây đau khổ cho biết bao người dân Việt Nam vô tội mà còn làm cho chính con trai và cháu nội ông cũng bị những di chứng nặng nề từ chất da cam.
Trong cuốn sách của mình, Elmo Zumwalt đã thú nhận nỗi bất hạnh và bi kịch của gia đình ông: “Trong những sai lầm của cuộc đời tôi, hành động mà tôi gây ra ở Việt Nam là việc làm tồi tệ nhất, đau thương nhất. Tôi không ngờ nó lại triệt hại gia đình tôi thảm khốc như thế. Con trai tôi, Elom Zumwalt từ chiến trường Việt Nam về lấy vợ, sinh con rồi phát bệnh ung thư. Con của Elom tức là cháu nội của tôi mới sinh ra thân hình dị tật, cổ rụt, chân tay co quắp”.
Trường hợp cựu binh Preston Woot sống tại tiểu bang Maine - Hoa Kỳ, từng tham gia phục vụ quân đội Mỹ rải chất độc vùng chiến sự A Sầu - A Lưới - tỉnh Thừa Thiên Huế và sân bay Đà Nẵng những năm 1964 - 1966 là một ví dụ khác về di chứng chất độc da cam. Trở về Maine ông cưới vợ sinh con, nhưng cả ba lần vợ ông sinh nở đều sinh ra quái thai. Bác sỹ phát hiện nồng độ độc tố trong máu của Preston Woot dương tính gấp hơn 60 lần người bình thường. Thủ phạm biến con ông thành những quái thai chính là độc tố dioxin.
Những căn cứ nêu trên là cơ sở để chính phủ Việt Nam khẳng định chất độc da cam gây ra thảm hoạ cho người dân Việt Nam. Việc xác định rõ tác hại của chất độc da cam có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chính phủ Việt Nam và các nạn nhân da cam.
Từ đó, nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ và cộng đồng quốc tế xác định rõ vì sao, cái gì và ai phải chịu trách nhiệm về những nỗi đau mà họ phải gánh chịu? Đối với chính phủ Việt Nam, việc xác định nguyên nhân tác hại là cơ sở quan trọng để Đảng và Nhà nước đưa ra những chính sách nhằm khắc phục hậu quả và đấu tranh đòi lại công lý cho các nạn nhân da cam.
Trên tinh thần đó, ngay trong thời gian chiến tranh, chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo quân đội và hệ thống y tế có biện pháp chữa trị cho những người bị phơi nhiễm. Đây là những bước đi ban đầu nhưng rất quan trọng để đánh giá và khắc phục hậu quả chất độc da cam đối với người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, quá trình kiên trì thực hiện cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam, mặc dù rất khó khăn nhưng đã đạt được một số kết quả, bước đầu được công luận trong nước và thế giới ủng hộ.
Tân Phong
Hải quân Mỹ selfie với trẻ nhiễm chất độc da cam Đà Nẵng
Các thành viên thuộc Hải quân Mỹ ôm đàn hát, thi vật tay, selfie cùng các em nhỏ nhiễm chất độc da cam ở Đà Nẵng.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét