TP.HCM đã có sự phối hợp với các tỉnh, thành lân cận để thực hiện việc đưa, đón công nhân ra vào TP và người dân cũng được hành xử như thế.
Sáng 30/9, UBND TP.HCM tổ chức họp báo công bố Chỉ thị mới về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước hồi phục, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Tại buổi họp, VietNamNet đặt câu hỏi: hiện nay, rất nhiều người dân TP.HCM và cả trẻ em kẹt lại ở các tỉnh, thành khác muốn về lại TP phải làm thế nào?
Trao đổi vấn đề này, Phó Chủ tịch TP Lê Hòa Bình cho biết, đối với người dân muốn trở lại TP phải làm theo các hướng dẫn cụ thể.
Theo đó, người dân phải có đơn gửi cho Sở GTVT TP.HCM. Sở sẽ tham mưu văn bản gửi các tỉnh, thành khác để tổ chức việc đón người dân về.
“TP.HCM đã xây dựng các bộ tiêu chí và gửi cho các tỉnh, thành lân cận nhằm phối hợp liên vùng, trong đó có việc phối hợp tổ chức đưa đi, đón về công nhân làm việc. Do đó, đối với người dân kẹt lại các tỉnh, thành khác cũng sẽ hành xử như việc đưa đón công nhân’, ông Bình chia sẻ.
Phó Chủ tịch TP Lê Hòa Bình thông tin tại buổi họp báo |
Ông Bình thông tin, thời gian qua, TP.HCM phối hợp, tổ chức đưa người dân về 37 tỉnh, thành với hơn 35 ngàn người.
Người ngoài tỉnh không đi xe máy vào TP khám chữa bệnh
Về việc người dân tỉnh, thành khác về TP khám, chữa bệnh, ông Bình thông tin, phải đi bằng xe cấp cứu, có chỉ định thì được qua chốt và có giấy chuyển viện. Ông Bình khẳng định, người dân không đi bằng xe máy để khám chữa bệnh liên tỉnh.
Chia sẻ thêm về việc duy trì các chốt chính, Phó Chủ tịch TP cho biết, đó là việc cần thiết để tăng cường kiểm tra vì an toàn sức khỏe cho người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Theo ông Bình, mỗi tỉnh, thành có độ phủ vắc xin khác nhau nên phải thực hiện kiểm soát việc ra vào TP cũng như các tỉnh, thành khác. Do đó, người dân nên hạn chế đi ra các tỉnh, thành bằng xe cá nhân.
Chia sẻ thêm về các vấn đề lưu thông, Phó Giám đốc Công an TP Nguyễn Sĩ Quang cho biết, triển khai Chỉ thị mới, Công an TP vẫn duy trì 12 chốt chính giáp ranh các tỉnh, thành và 39 chốt của quận, huyện, tất cả các chốt nội đô đều dỡ bỏ.
Đồng thời, công an sẽ tăng cường kiểm soát đột xuất trên đường, kiểm tra ngẫu nhiên và tuần tra 24/24h.
Ông Quang cũng khuyên người dân muốn về quê thì phải theo hướng dẫn có tổ chức, không tự ý về quê. Người dân nên ý thức, thực hiện theo quy định vì an toàn của chính mình và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
CA sẽ xử lý nghiêm những trường hợp không đủ điều kiện mà thông chốt.
Lưu thông không cần giấy đi đường
Đi lại |
Phó Giám đốc Công an TP Nguyễn Sĩ Quang cho biết, việc triển khai Chỉ thị mới, lưu thông sẽ không cần sử dụng giấy đi đường.
“Công an sẽ thực hiện phương thức kiểm soát khác, tạo điều kiện cho người dân lưu thông mà không cần giấy đi đường do công an cấp”, ông Quang cho hay.
Theo ông Quang, công an sẽ tiến hành kiểm soát theo app qua mã QR.
Cụ thể, người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: (1) Là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; (2) Đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Theo ông Quang, trước mắt là như thế, sau này khi app PC-COVID hoàn thành thì chỉ còn kiểm soát một app.
App này sẽ thể hiện lịch sử tiêm vắc xin, nhưng khi dữ liệu không đủ thì đưa các loại giấy theo quy định cũng được lưu thông. Có nghĩa là TP tạo điều kiện thuận lợi nhất với người dân thuộc diện lưu thông ra đường.
“Các em dưới 18 tuổi đang học online, chưa có việc cần thiết thì không nên ra đường. Các em cũng là đối tượng chưa có quy định tiêm vắc xin, không nên ra đường tránh ảnh hưởng sức khỏe”, ông Bình khuyên.
Hồ Văn - Thu Anh
TP.HCM: Những nhóm ngành được hoạt động từ 18h hôm nay
Sáng nay, UBND TP.HCM công bố Chỉ thị về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. Thời gian áp dụng từ 18h ngày 30/9.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét