Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh những nội dung trên khi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Sáng 26/8, lần thứ ba Thủ tướng trực tiếp vào kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM, nhưng đây là lần đầu tiên ông tới trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, và cũng chỉ sau ít giờ kể từ khi kết thúc phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo sau kiện toàn vào tối muộn 25/8.
Tại phường Cát Lái, Thủ tướng thăm hỏi chi tiết về công tác an sinh xã hội, chăm lo người khó khăn trên địa bàn.
Thủ tướng lưu ý phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, khi nghiêm rồi thì tập trung chăm lo an sinh xã hội, đấy là việc cần lo để người dân yên tâm.
Thủ tướng xem các loại nhu yếu phẩm, thuốc men... trong túi an sinh sẽ được cung cấp cho người dân. Ảnh: VGP |
"Cần vừa làm, vừa động viên nhân dân, muốn nhanh hết dịch cần chấp hành nghiêm việc giãn cách. Chúng ta chịu khổ 5, 10, 20 ngày còn hơn là chịu khổ cả tháng, cả năm không làm được gì cả. Chịu khổ thời gian ngắn để cuộc sống sớm bình thường trở lại", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng lưu ý các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương cần chuẩn bị nhu yếu phẩm để cung ứng cho người dân không chỉ trong một tuần, 2 tuần, 3 tuần hoặc lâu dài hơn. Công tác chuẩn bị nhằm đảm bảo người dân an tâm "ai ở đâu ở yên đấy".
Trong suốt buổi kiểm tra, thông điệp được Thủ tướng nhắc nhiều lần, đó là phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng cần chú trọng đến công tác an sinh xã hội, không để người dân bức xúc.
Thủ tướng nhắc lại, nếu chiến thắng Covid-19 thì đây là chiến thắng của người dân, vì vậy, cần thuyết phục, kêu gọi người dân chung tay trong thời điểm hiện tại.
Đặc biệt, ở thời điểm TP.HCM thực hiện 2 tuần giãn cách nghiêm ngặt, Thủ tướng khẳng định, chính quyền cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức, cần áp dụng nguồn lực của phường, huy động từ người dân, tận dụng sự giúp đỡ của thành phố và bên ngoài để giúp đỡ người dân.
Trong thực hiện tận dụng nhân lực của địa phương, tự tổ chức, tự làm, quá trình làm có sáng tạo để tận dụng thời gian vàng ngăn chặn dịch.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng chủ trì buổi làm việc với UBND TP.HCM, các quận, huyện và TP Thủ Đức, nhất là có sự tham dự của lãnh đạo 312 xã, phường và thị trấn.
Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc họp là để đánh giá quá trình thực hiện giãn cách xã hội theo 3 nấc: Chỉ thị 15, 16 và tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Theo Thủ tướng, TP phải xem lại các biện pháp, chủ trương đã đúng, sát thực tế chưa, khả thi chưa; nếu đã đúng, đã trúng thì phải thực hiện quyết liệt hơn, chặt chẽ, hiệu quả hơn.
“Mục tiêu trước hết là thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ và công điện 1099, 1102 của Thủ tướng”, ông đề nghị.
Chú trọng công tác an sinh xã hội
Thủ tướng lưu ý các địa bàn cần đặc biệt quan tâm tới người lang thang, cơ nhỡ, cần đưa về nuôi dưỡng, chăm sóc và xét nghiệm.
Trong quá trình kiểm tra, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh thông điệp để người dân tiếp cận y tế sớm nhất có thể. Ông nhắc lại phương châm "mỗi người dân là một chiến sĩ”, “lấy xã phường làm pháo đài", vì vậy, các trạm y tế phường cần phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong quãng thời gian này.
Thủ tướng nhấn mạnh, khi đã thành lập trung tâm khẩn cấp thì cần phản ứng nhanh, các đường dây nóng đã được triển khai cần biến thông tin thành sự trợ giúp.
“Khi người dân mệt, không thể ra trạm xá, lực lượng y tế phải nhanh chóng tiếp cận, không những bệnh nhân Covid-19 mà đối với tất cả bệnh khác", Thủ tướng nói.
Hình ảnh bộ đội đi chợ giúp dân ngày giãn cách |
Đối với công tác điều trị F0, cơ sở y tế địa phương cần tiếp cận, phân loại, điều trị sớm nhất có thể. Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm phải được thực hiện khoa học theo từng nhóm nguy cơ.
"Cần ưu tiên xét nghiệm cho người già, những người có nguy cơ cao chuyển nặng, tử vong nếu nhiễm bệnh. Trong bối cảnh chưa thể xét nghiệm toàn bộ người dân cùng lúc, đối tượng có nguy cơ cao cần được làm trước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, từ kết quả xét nghiệm, các phường, xã cần phân loại, giữ vững được các vùng an toàn. Khi đã phân loại được vùng xanh, những khu vực này phải giữ chắc, đảm bảo an toàn.
Phát biểu tại cuộc họp, tân Chủ tịch TP Phan Văn Mãi cho biết, TP đã triển khai các chính sách an sinh xã hội và tiền mặt, mỗi hộ 1,5 triệu đồng đang được khẩn trương cấp phát. TP cũng đang triển khai khẩn trương trong tuần này 1 triệu gói an sinh và thêm 1 triệu gói cho thời gian sắp tới.
Trong ba ngày qua, TP cũng khẩn trương triển khai hơn 400 trạm y tế lưu động đã phát huy được hiệu quả trong việc quản lý, tư vấn và chăm sóc điều trị F0 tại nhà và tại cộng đồng.
Bộ trường Y tế Nguyễn Thành Long cho biết, TP có thể thực hiện phương án 4 tại chỗ. Thứ nhất, xét nghiệm tại chỗ mà không cần phải gọi người dân ra ngoài, mà có thể xét nghiệm ngay tại nhà. Thứ hai, điều trị tại chỗ, tức là phát thuốc ngay cho người dân. Thứ ba, an sinh xã hội tại chỗ và thứ tư là tiêm chủng tại chỗ với tinh thần tiêm càng nhanh càng tốt, càng ở vùng đỏ càng tiêm nhanh.
Quy trách nhiệm chủ tịch phường nếu để dân đói
Cũng trong ngày 26/8, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi có văn bản nêu rõ, phường, xã, thị trấn nào để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ tịch phường, xã, thị trấn đó.
Theo đó, ông Mãi nhận định việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP đã đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc giãn cách một số nơi thực hiện chưa thật sự nghiêm, tiến độ công tác tiêm vắc xin vẫn còn chậm.
Chiều ngày 26/8, hàng trăm hộ dân sống trong các căn hẻm trọ chật chội ở quận Bình Thạnh được chính quyền địa phương đưa vào chung cư 1050, đường Phan Chu Trinh để tránh dịch. Anh Hà Hữu Lương làm nghề tự do, vợ làm công ty nhưng mấy tháng nay đều nghỉ ở nhà. Hai vợ chồng cùng 2 con nhỏ sống trong căn trọ khoảng 10m2 được đưa vào chung cư tránh dịch. |
Do đó, nhằm đạt mục tiêu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Thủ tướng, Chủ tịch TP đề nghị thời gian tới, các ngành các cấp phải rà soát, nắm rõ các hộ dân thuộc địa bàn quản lý có hoàn cảnh khó khăn, cần được hỗ trợ; bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, chủ động vận động các nguồn lực để chăm lo cho người dân.
“Nếu vượt quá khả năng, các đơn vị phải kịp thời báo cáo về cơ quan cấp trên để giải quyết. Phường, xã, thị trấn nào để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Chủ tịch phường, xã, thị trấn đó”, ông Mãi nêu trong kết luận cuộc họp về phòng chống dịch của TP.
Đồng thời, ông Phan Văn Mãi giao Phó chủ tịch TP Phan Thị Thắng chỉ đạo Sở Công Thương rà soát, đánh giá kỹ nhu cầu về cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm của người dân cũng như khả năng đáp ứng của TP để chuẩn bị; tổ chức các đội hình mua hộ và cấp phát, không để người dân phải ra khỏi nhà.
Tiếp cận y tế
Trong văn bản kết luận về công tác phòng chống dịch, Chủ tịch TP Phan Văn Mãi đặc biệt lưu ý các địa phương cần chuẩn bị nơi thu dung điều trị các trường hợp F0 dự kiến phát sinh trong thời gian tới. Đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người được chăm sóc, điều trị.
Nắm rõ danh sách các trường hợp F0 tại nhà thuộc địa bàn quản lý, thông tin đến các Trạm y tế lưu động để tổ chức thăm khám, điều trị, cấp phát túi thuốc kịp thời, không để bất kỳ trường hợp nào cần trợ giúp y tế mà không được hỗ trợ.
Chiều 26/8, tại buổi họp báo, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM cho biết, về kết quả xét nghiệm từ 18h ngày 24/8 đến 18h 25/8: đã lấy gần 515.000 mẫu, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là gần 480.000 mẫu.
Về tiêm chủng vắc xin, đến ngày 25/8 là hơn 5,6 triệu, trong đó tổng số mũi 1 là gần 5,4 triệu, mũi 2 là gần 237.000, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là gần 574.000.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc xét nghiệm toàn diện rộng khi xong lần một, tiếp tục quay lại lần hai. Và nếu có chỉ đạo của TP thì vẫn tiếp tục xét nghiệm, cho đến khi bóc tách được F0 ra khỏi cộng động, mở rộng vùng xanh, tiến tới xanh hóa toàn TP.
Tại cuộc họp với Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, muốn làm tốt hơn nữa như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thì TP phải nhận thấy cần nỗ lực hơn nữa. Trên từng lĩnh vực phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường phát huy mặt tích cực, uốn nắn những tồn tại, thiếu sót và hạn chế. Đồng thời xử lý nghiêm những khuyết điểm, vi phạm.
“Từng đồng chí trong toàn hệ thống chính trị TP phải tự xem lại mình, xem lại phần việc được giao, xem lại trách nhiệm để nỗ lực hơn nữa. Như Thủ tướng nói, quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa sẽ đạt hiệu quả tốt. Tranh thủ thời gian vàng khống chế dịch bệnh, tranh thủ xét nghiệm thần tốc, tiêm vắc xin nhanh nhất, quản lý F0 hiệu quả nhất, hạn chế tử vong xuống thấp nhất…”, Bí thư Nên nhấn mạnh.
Hồ Văn - Bảo Anh
Thủ tướng yêu cầu phát huy tinh thần "chiến tranh nhân dân" trong phòng chống dịch
Thủ tướng yêu cầu cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu dán số điện thoại, phát huy tinh thần "chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích" trong phòng chống dịch tại xã, phường.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét