Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Luôn phải đặt người dân ở vị trí trung tâm

Chiều nay (10/4), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Thành ủy Đà Nẵng. Đây là buổi làm việc đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại cơ sở trên cương vị mới.

Cùng đi với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải. Đón và chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệt liệt chúc mừng ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị vừa được sự tín nhiệm rất cao của Quốc hội khóa XIV bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021. 

Báo cáo với Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, trọng tâm là thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Thu ngân sách thành phố trong 3 tháng đầu năm 2021 ước đạt 5.900 tỷ đồng; tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn từ đầu năm đến nay được kiểm soát; tình hình kinh tế - xã hội được duy trì ổn định; thu hút đầu tư và một số ngành, lĩnh vực nhất là công nghệ cao có nhiều chuyển biến tốt, tái khởi động nhiều dự án lớn… Các công trình, dự án trọng điểm được tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo. Công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được chỉ đạo triển khai đảm bảo quy trình, quy định, bám sát kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng Đảng, tiếp tục được chú trọng, tăng cường.

Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng vừa được Chính phủ, Thủ tướng ban hành nhiều văn bản quan trọng tiếp thêm động lực và niềm tin cho Đà Nẵng bước vào giai đoạn mới đầy thách thức, nhiều kỳ vọng phát triển, hướng tới tương lai, đóng góp vào sự phát triển không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Thành phố cũng hết sức trân trọng và cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cương vị là Thủ tướng Chính phủ, nhiệm kỳ 2016-2021 luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ thành phố Đà Nẵng, để thành phố sớm có được những tiền đề quan trọng, tăng tốc phát triển trong thời gian đến.

Chủ tịch nước thăm nhà truyền thống Đảng bộ TP Đà Nẵng.

Phát biểu tại buổi làm việc với Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mảnh đất Quảng Nam- Đà Nẵng là quê hương giàu truyền thống cách mạnh, chiến trường Quân khu 5 là chiến trường ác liệt nhất trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Phát huy truyền thống quý báu của quê hương, 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đã từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh vươn lên mạnh mẽ, từng bước xây dựng quê hương giàu đẹp.

Những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam bứt phá đi lên trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi gần đây tình hình thu hút đầu tư của thành phố Đà Nẵng đạt hiệu quả cao, tỉnh Quảng Nam khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống nhân dân, cả 2 địa phương đều khôi phục kinh tế rất tốt.

Quý I năm nay, Đà Nẵng và Quảng Nam đều thu ngân sách đạt cao, kinh tế tăng trưởng ổn định. Dẫn số liệu thu ngân sách quý I của tỉnh Quảng Nam đã đạt 7.500 tỷ đồng, trong khi thành phố Đà Nẵng mới đạt 5.900 tỷ đồng, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền TP Đà Nẵng tập trung tháo gỡ khó khăn cho kinh tế phát triển.

Chủ tịch nước thắp hương tại phòng lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành ủy Đà Nẵng.

"Tôi đề nghị trong quá trình phát triển mỗi cán bộ lãnh đạo cho đến người dân của chúng ta, kể cả các nhà đầu tư đến Đà Nẵng không thể quên trong tâm trí trong mọi hoạch định chính sách kinh tế chính trị, ngoại giao về một điều hệ trọng thiêng liêng. Đó là huyện đảo Trường Sa, huyện đảo Hoàng Sa thân yêu là một phần không thể tách rời Đà Nẵng và tổ quốc chúng ta"

Chủ tịch nước lưu ý, đồng thời đề nghị chính quyền phải gần dân, trọng dân; vai trò của Đà Nẵng là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm, là thành phố động lực của cả vùng. Cùng với Đà Nẵng, Quảng Nam phải là động lực tăng trưởng của cả vùng; cần có khát vọng phát triển cho mục tiêu Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

Chủ tịch nước cho rằng, với ý chí quyết tâm mạnh mẽ, Quảng Nam và Đà Nẵng phải là địa phương đáng sống, nhất là trong giai đoạn hậu Covid-19. Trước mắt là phục hồi kinh tế du lịch, là điểm đến an toàn của du khách quốc tế. Cho rằng Đà Nẵng là thành phố đáng sống thì Quảng Nam với vùng đất phía Tây và vùng Đông rộng lớn cần phải phát huy thế mạnh và khai thác dư địa để phát triển.

Chủ tịch nước đề nghị xem lại nội hàm thành phố đáng sống, thành phố 4 an để xây dựng thành phố trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam, muốn vậy phải là xây dựng những trường Đại học lớn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với những đặc thù của Đà Nẵng và Quảng Nam, 2 địa phương không nên sao chép những mô hình đô thị mà cần tạo nên những khác biệt, nét độc đáo.

Chủ tịch nước khẳng định, nếu có khát vọng, quyết tâm phấn đấu thì Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Khát vọng đó chính là tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo, của người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quảng Nam cần làm tốt việc tiêm vaccine nhanh chóng và hiệu quả. Nếu làm tốt việc này thì du khách và nhà đầu tư đến đây sẽ yên tâm du lịch và làm ăn.

Thứ hai là sớm khắc phục những yếu kém trong chỉ đạo, sớm kiện toàn bộ máy, tạo ra sinh khí tiềm lực mới trong đội ngũ cán bộ, công chức, nhân rộng nhân tố mới trong phong trào cách mạnh, thúc đẩy cải cách, khắc phục trì trệ trong bộ máy hành chính trên tinh thần cơ cấu sắp xếp lại bộ máy tinh gọn.

Thứ ba là các địa phương phải biết sửa sai nếu phát hiện những sai phạm, khuyết điểm. Tuy nhiên, trong sửa sai cần tránh những thay đổi đột ngột, xáo trộn lớn để lại tâm tư mà cần phải có bước đi, lộ trình chặt chẽ.

Thứ tư là nhanh chóng sửa chữa những sai sót trước đây trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến người dân, đúng như lời dạy của Bác Hồ, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì không có lợi cho dân thì hết sức tránh.

Chủ tịch nước đề nghị 2 địa phương cần phát huy tinh thần dân chủ, dám nghĩ, dám làm trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành. Cấp ủy chính quyền cần sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc phát hiện những sai sót để chấn chỉnh kịp thời; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nhà đầu tư khi vào Đà Nẵng, Quảng Nam thật sự ấn tượng với môi trường làm ăn thuận lợi. 

Chủ tịch nước đề nghị 2 địa phương có những giải pháp tham mưu đề xuất với Trung ương những biện pháp khôi phục du lịch, dịch vụ. Đà Nẵng và Quảng Nam tạo sự ổn định trong thu hút đầu tư, bảo vệ nhà đầu tư, tạo không khí tin tưởng của người dân và doanh nghiệp đối với địa phương. Lãnh đạo địa phương cần phát triển toàn diện nhưng cũng cần có nhà đầu tư lớn, tập trung một số mũi nhọn về du lịch dịch vụ, công nghệ cao để tạo động lực phát triển. 

Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị 2 địa phương tiếp tục nhất quán với quan điểm bảo hộ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của công dân, doanh nghiệp trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cần tôn trọng cam kết với nhà đầu tư, tạo không khí tin tưởng của người dân và doanh nghiệp; tránh đùn đẩy trách nhiệm thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị, giữa Trung ương và địa phương; tránh hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế dân sự; tránh tâm lý e dè trong giới đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp; chống suy thoái trong tư tưởng đạo đức, làm việc cầm chừng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền địa phương luôn tâm niệm: Người dân phải luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là người được hưởng lợi nhiều nhất, trong hoạch định kinh tế xã hội phải chú trọng mục tiêu tạo nhiều công ăn việc làm; thực hiện tốt chế độ chính sách cho người lao động như xây dựng nhà ở công nhân.

"Việc thứ nhất, tôi đề nghị các đồng chí luôn phải đặt người dân ở vị trí trung tâm. Người dân phải được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả phát triển. Chính vì vậy mà trong mọi hoạch định về kinh tế xã hội phải chú trọng mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân khởi nghiệp.

Tôi đề nghị mỗi cán bộ lãnh đạo cho đến người dân, trước mọi hoạch định chính sách kinh tế chính trị, ngoại giao, trong tâm trí luôn nhớ về một điều hệ trọng thiêng liêng: Đó là huyện đảo Trường Sa, huyện đảo Hoàng Sa. Đó là một phần không thể tách rời  Đà Nẵng và tổ quốc chúng ta. Một vấn đề rất lớn nữa là chế độ chính sách cho người lao động, chúng ta cần quan tâm xây dựng môi trường lao động tốt hơn nhằm giúp tăng năng suất và tái sản xuất người lao động".

Theo VOV

Chân dung 28 thành viên Chính phủ

Chân dung 28 thành viên Chính phủ

Với việc kiện toàn 15 nhân sự mới cùng 13 người đương nhiệm, Chính phủ có 28 thành viên gồm: Thủ tướng Phạm Minh Chính, 5 Phó Thủ tướng cùng 22 bộ trưởng, trưởng ngành.

Bộ Chính trị phân công 4 Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công 4 Ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư

Sáng 9/4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thảo luận về tình hình và kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác quý I và một số nhiệm vụ trọng tâm sắp tới.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét