Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

Tiếng gõ trong khoang sà lan chìm và cuộc giải cứu của chiến sĩ 9X

Đối đầu với “giặc lửa” hay những lần cứu hộ khẩn cấp do tai nạn là “mặt trận” không tiếng súng, không có tội phạm nhưng không kém phần hiểm nguy và gian khổ. 

Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Sóc Trăng) với nhiều chiến sĩ trẻ dũng cảm, sức vóc của tuổi đôi mươi sẵn sàng lao vào những nơi hiểm nguy.

Thượng sĩ Lê Hoàng Khang là đại biểu duy nhất của Công an tỉnh Sóc Trăng và là một trong 17 đại biểu của tỉnh được dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thân hình rắn rỏi, nước da ngăm đen, anh không giấu nổi niềm vui và sự tự hào trong lần đầu đến Thủ đô.

Sinh năm 1996 trong một gia đình nông dân ở ấp Mỹ Hòa, xã Long Bình (TX Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), Khang là con thứ 3 trong gia đình 4 anh em trai. Từ khi còn 10 tuổi, chứng kiến cảnh các chiến sĩ dập tắt đám cháy gần nhà đến khi ngồi trên ghế nhà trường Khang đã mơ ước được vào ngành công an.

{keywords}
Thượng sĩ Lê Hoàng Khang

Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2016, Khang đăng ký tham gia nghĩa vụ công an. Đến tháng 2/2020, Khang chính thức vào biên chế ngành công an, công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC-CHCN, Công an tỉnh Sóc Trăng.

Gần 4 năm gắn bó với nghiệp phòng cháy, chữa cháy, Thượng sĩ 24 tuổi này đã cùng đồng đội tham gia chữa cháy trên 20 vụ. Trong số các vụ cứu hộ, cứu nạn Khang tham gia, có hai vụ việc khiến anh không thể quên. Đầu tháng 10/2018, Khang cùng đồng đội trong đơn vị nhận được mệnh lệnh cứu nam sinh lớp 9 bị đuối nước trong lúc vớt trái banh dưới sông  tại xã Long Đức, huyện Long Phú.

Đến nơi lúc 18h, trời đã chập choạng tối. Anh được phân công lặn xuống sông. Con sông đó tuy không lớn, nhưng mới được nạo vét xong nên khá sâu, nước chảy xiết.

Khang nhớ lại: “Khi vừa bước xuống sông, tôi có cảm giác chới với, rất sợ vì thời điểm đó trời đã tối, không thấy gì dưới sông. Đến gần 12 giờ đêm, vẫn chưa tìm thấy xác người bị nạn, lãnh đạo đơn vị ra lệnh rút quân để hôm sau tìm tiếp".

Bà con nhân dân đứng dọc bờ sông rất đông, dõi theo từng hành động của Khang và đồng đội. Gia đình em học sinh gặp nạn thì mòn mỏi, khóc cạn nước mắt trông chờ con.

Lúc đó, anh cảm thấy dằn vặt. Nghĩ đến gia đình nạn nhân đã mất đi đứa con, anh càng quyết tâm phải cố gắng tìm cho được thi thể nạn nhân để gia đình vơi đi phần nào nỗi đau.

7h sáng hôm sau, Khang tiếp tục được phân công tìm kiếm. Lặn tìm đến gần 11h trưa, mặc dù rất mệt và bị thương ở chân, nhưng nhìn thấy cảnh trông chờ của người thân nạn nhân, Khang lại tiếp tục lặn ra giữa sông, cách hiện trường khoảng 15m thì tìm thấy thi thể nạn nhân.

{keywords}

Sau cuộc cứu hộ, khi các chiến sĩ chuẩn bị lên xe ra về, trong sự nghẹn ngào, người nhà nam sinh đã không quên cảm ơn Khang và đồng đội.

Với sự nỗ lực đó, Khang được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen. Rèn luyện, phấn đấu trong 3 năm, Khang có nhiều thành tích và được  xét chuyển biên chế vào năm 2019. 

Cứu người phụ nữ mắc kẹt trong sà lan chìm

Vào ngày 10/2/2020, ông Trần Vĩnh Xuyên, ngụ tại ấp 1, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) điều khiển sà lan hướng từ Cần Thơ về Sóc Trăng. Trên sà lan có vợ cùng 3 người con.

Khi về đến ngã ba sông, đoạn đầu Cù Lao Dung giáp ranh giữa huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) với huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), sà lan gặp sự cố, bị lật. Thấy nguy hiểm, ông Xuyên kêu to cho vợ con biết để nhảy khỏi sà lan.

{keywords}
Thượng sĩ Lê Hoàng Khang trong lần cứu hộ vụ chìm sà lan

Lúc đó, một người con chạy lên với ông Xuyên, cả hai cha con nhảy xuống sông và được người dân cứu sống. Còn vợ ông vừa bế và dắt 2 người con còn lại chạy nhưng không may bị ngã, 2 cháu nhỏ tuột khỏi tay mẹ, cùng lúc sà lan chìm hẳn xuống dòng sông và cả 3 mẹ con bị chìm theo.

Nhận tin báo, PCCC&CNCH Công an tỉnh Sóc Trăng điều phương tiện chuyên dụng cùng 13 chiến sĩ, trong đó có Khang xuống hiện trường.

Thượng sĩ Khang kể lại: “Trinh sát của chúng tôi nghe tiếng gõ bên trong, xác định được có người còn sống. Nhận được lệnh của chỉ huy, tôi lặn xuống nước ở độ sâu khoảng 5m để khảo sát. Mặc dù dòng nước chảy xiết, rất nguy hiểm nhưng qua mô tả của chủ tàu, tôi lần dò theo 8 nấc thang để tới khoang có người kêu cứu và tìm thấy  lối vào. Bên trong, chị vợ anh Xuyên còn sống. Chị đang nắm vào một thanh sắt để đu người lên nhưng nước đã ngập tới cổ”.

Ngay lập tức Khang lặn trở ra báo cáo chỉ huy để có phương án cứu nạn nhân.

Có nhiều phương án đặt ra nhưng chỉ huy bàn bạc cùng đồng đội quyết định lặn để cứu nạn nhân là cách tốt nhất, không còn phương án nào khả thi hơn vì thời gian nạn nhân ở dưới nước quá lâu, dễ nguy hiểm tới tính mạng.

{keywords}
Hiện trường vụ chìm sà lan.

Sau đó anh cùng một đồng đội mang thiết bị của mình cùng ống thở, nước uống cho nạn nhân rồi cùng lặn xuống thực hiện nhiệm vụ.

Khi vào đến trong khoang, các chiến sĩ hướng dẫn nạn nhân cách thở bằng ống thở rồi nhanh chóng ôm chị đưa ra khỏi khoang sà lan lên mặt nước trong sự mừng rỡ của mọi người đang có mặt tại hiện trường.

Lúc này chỉ huy yêu cầu vào trong khoang kiểm tra lần nữa xem còn nạn nhân nào bên trong hay không. Khang nhận lệnh và tiếp tục lặn vào bên trong tìm kiếm thêm lần nữa. Sau một hồi tìm kiếm và không phát hiện gì thêm, anh nổi lên và báo cáo là không còn ai trong khoang cả. Ngay lập tức chỉ huy báo cáo lãnh đạo phòng, xin ý kiến ngừng tìm kiếm và được lãnh đạo chấp thuận.

Thượng sĩ Khang chia sẻ, lúc đó trời đã tối, nước thì sâu, dòng chảy xiết rất nguy hiểm, gió mạnh, sóng to, chỉ cần một sự tác động của dòng nước thì xà lan có thể sẽ bị lật, nguy hiểm cho cả nạn nhân và cả người cứu nạn cứu hộ.

“Tôi nghĩ, ở vào vị trí của mình, ai cũng hành động như vậy thôi. Nghề của chúng tôi biết là gian khổ, vất vả, thậm chí là nguy hiểm nhưng chúng tôi đã xác định mình là lính cứu nạn cứu hộ thì dù có gian khổ, vất vả hay nguy hiểm thì cũng sẽ vượt qua”, Khang tâm sự.

{keywords}
Lê Hoàng Khang nhận huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.

Kể về gia đình với sự biết ơn to lớn, anh cho biết những ngày đầu bố mẹ hay la rầy vì cho rằng công việc quá nguy hiểm, khuyên anh suy nghĩ chuyển sang ngành nghề khác. Nhưng khi thấy niềm đam mê, nhất quyết phấn đấu theo đuổi, bố mẹ anh đã động viên tiếp tục theo đuổi công việc này.

Tại đơn vị, Khang được đồng đội đánh giá hiền lành, hòa đồng, vui vẻ, ham học hỏi, chịu khó cập nhật các quy chuẩn, quy định của ngành và chịu rèn giũa.

Trong thời gian công tác, Thượng sĩ Khang được nhận giấy khen, bằng khen của Giám đốc Công an tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Thượng sĩ Lê Hoàng Khang là thanh niên đầu tiên của Công an tỉnh Sóc Trăng nói riêng, tuổi trẻ Sóc Trăng nói chung được nhận huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.

Thành Nam

Cuộc điện thoại hẹn gặp nơi bến đò với nữ Phó giám đốc công an tỉnh

Cuộc điện thoại hẹn gặp nơi bến đò với nữ Phó giám đốc công an tỉnh

“Sợ cha biết được việc mình làm sai trái, đối tượng gọi cho tôi và hẹn đón ở một bến đò. Đó là cuộc điện thoại mà cả cuộc đời này tôi nhớ mãi” - Đại tá Trần Thị Bé Nhân chia sẻ.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét