Giải quyết vấn đề xe cũ nát, Nhà nước cần có chính sách để cùng với nhà sản xuất thu hồi lại phương tiện.
Bộ TN&MT vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải nhất là ở các đô thị lớn Hà Nội, TP.HCM...
Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ xe cộ, xây dựng, công nghiệp với lượng thải lớn chưa được kiểm soát hiệu quả.
Đáng chú ý, trong các giải pháp, Bộ TN&MT đề nghị các TP lớn nhất cần thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường.
Xe cũ nát đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM |
Liên quan đến quyền sở hữu tài sản nên khó thu hồi
Xung quanh đề xuất thu hồi phương tiện cũ nát của Bộ TN&MT, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, hiện phương tiện giao thông cơ giới gây ô nhiễm chủ yếu từ khí thải của xe máy và ô tô.
Đối với ô tô, nhiều năm qua, việc kiểm soát xe cũ nát, gây ô nhiễm môi trường đã được thực hiện bằng quy định áp dụng niên hạn sử dụng và kiểm định khí thải định kỳ.
Với các xe áp dụng niên hạn sử dụng (xe tải, xe chở người), khi hết phải nộp lại biển số, không được cấp giấy tờ để lưu hành. Còn các xe đủ điều kiện tham gia giao thông định kỳ, phải được kiểm định đạt tiêu chuẩn về ngưỡng phát thải mới được cấp chứng nhận đăng kiểm để tham gia giao thông.
Với xe máy đang lưu hành, từ năm 2010 Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP.
Đề án đưa ra lộ trình áp dụng theo địa phương, theo loại xe (kiểu loại, năm sử dụng) và giải pháp triển khai.
Tuy nhiên, thời gian qua do Luật giao thông đường bộ chưa có quy định trên nên phải chờ để có cơ sở pháp lý triển khai.
“Việc quản lý xe máy cũ nát để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường là yêu cầu bức xúc của xã hội. Tuy vậy, việc này liên quan đến quyền sở hữu tài sản nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý khi thu hồi”, đại diện Cục Đăng kiểm cho biết.
Đủ cơ sở thu hồi?
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông, Bộ GTVT cho rằng, Luật giao thông đường bộ chưa có quy định về việc thu hồi, nhưng Dự thảo sửa đổi luật này đã bổ sung đưa vào để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, ngay cả khi Luật giao thông đường bộ chưa quy định thì vẫn có thể dựa vào Luật Tài nguyên môi trường để thu hồi những xe máy cũ nát có hàm lượng khí thải cao.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Thạch ủng hộ đề xuất thu hồi phương tiện cũ nát, bởi các phương tiện này không chỉ gây ô nhiễm môi trường từ khí thải, mà còn gây mất an toàn giao thông.
“Ngoài khí thải độc hại, các xe cũ nát đa số có hệ thống an toàn thấp; còi đèn hầu như không có gì, phanh không an toàn, khung xe mục nát được hàn tạm… nên tham gia giao thông rất nguy hiểm”, ông Thạch nói.
Theo ông Thạch, sức khoẻ và an toàn tính mạng con người là quan trọng hơn cả. Đặc biệt với những đô thị phát triển thì không thể cứ đưa ra lý do xe này đa phần của người nghèo khó nên không thể thu hồi. Nếu cứ đưa ra lý do như vậy, thì chưa biết bao giờ mới thu hồi được xe cũ nát.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, giải pháp để loại bỏ xe máy cũ nát trong giai đoạn hiện nay là Nhà nước, nhà sản xuất và người dân cùng vào cuộc.
Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để nhà sản xuất thu hồi xe cũ và đổi xe máy mới cho người dân.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt điều kiện lưu hành của phương tiện, như: tăng cường kiểm tra, xử lý xe cũ nát vi phạm điều kiện tham gia giao thông; ngăn ngừa xe cũ nát không an toàn, gây ô nhiễm môi trường.
Nói mãi rồi nhưng chưa làm được
Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng, việc thu gom, loại bỏ các phương tiện giao thông cơ giới cũ nát gây ô nhiễm môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, cần áp dụng theo đúng nghĩa là thu hồi sản phẩm gây ô nhiễm môi trường để xử lý, không phải là tịch thu tài sản.
Trong đó Nhà nước cần quản lý chặt về an toàn kỹ thuật và môi trường của phương tiện, kiên quyết không để phương tiện không đủ điều kiện lưu thông.
Nhà nước cùng cần phối hợp với nhà sản xuất thu hồi sản phẩm cũ nát, với sự đồng thuận của chủ phương tiện.
Hiện nay có nhiều xe máy cũ nát lưu thông trên đường vẫn chưa thu hồi được |
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, Bộ TN&MT đề xuất thu hồi xe cũ nát cũng là hướng đúng, phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới. Điển hình như nước láng giềng Trung Quốc còn cấm cả xe máy để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, đề xuất này đã nói nhiều lần rồi nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Ông Liên cho rằng, nếu lấy điều kiện khí thải để loại bỏ thu hồi xe máy cũ nát sẽ rất khó, vì chưa có quy chuẩn quốc gia về chất lượng xe máy. Việc đo khí thải dựa vào quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra được hàng triệu xe máy hiện nay cũng rất khó.
Do vậy cần nghiên cứu chu đáo để khi thực hiện thu hồi không bị người dân phản đối, làm cho chủ trương đúng đắn không thực hiện được.
Ông Liên nói rõ, hiện nay ô tô có quy chuẩn về chất lượng kỹ thuật phương tiện, còn xe máy chưa có, trừ một số hãng xe từ Nhật Bản nhập sang thì ở nước ta còn xe máy nhập qua biên giới đường mòn, xe mua phụ tùng về lắp ráp... chưa có tiêu chí kỹ thuật.
Bộ TN&MT lý giải việc đề nghị Hà Nội, TP.HCM đẩy mạnh thu hồi xe cũ nát
Bộ TN&MT đề nghị Hà Nội, TP.HCM thực hiện thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường.
Vũ Điệp
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét