Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết chuyển đổi phương thức đầu tư hai dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công.
Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay (11/1), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công tư) đến ngày 5/10 chỉ có 3 dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Riêng 2 dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Dù Bộ GTVT đã kéo dài thời điểm đóng thầu đến ngày 12/10/2020 nhưng dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn chỉ có một nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu vẫn không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị chuyển đổi 2 dự án này từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công theo nguyên tắc không vượt quá nguồn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chắc chắn triển khai thành công dự án.
Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước tương tự như cơ chế đối với 6 dự án thành phần đầu tư công đang triển khai. Bên cạnh đó, việc sớm hoàn thành đầu tư 2 dự án này sẽ tạo điều kiện khai thác đồng bộ với các dự án lân cận, bảo đảm tính kết nối liên tục và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh ý kiến đồng ý như đề nghị Chính phủ đưa ra, ý kiến khác đề nghị rà soát, điều chỉnh lại phương án tài chính để tăng tính khả thi của 2 dự án thành phần này, sau đó tiếp tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP.
Lý lẽ của ý kiến này cho rằng, nguyên nhân không có nhà đầu tư nộp hồ sơ đấu thầu là do phương án tài chính của 2 dự án này chưa thực sự hấp dẫn. Luật Đầu tư theo phương thức PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cho phép các dự án đầu tư theo phương thức PPP được hưởng cơ chế chia sẻ rủi ro cũng sẽ làm cho 2 dự án thành phần này trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua phương thức PPP sẽ giúp nhà nước giảm đầu tư từ ngân sách, dành thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch và các mục đích an sinh, xã hội cần thiết khác.
Thường trực trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự án cao tốc Bắc Nam phía Nam hiện nay đã chậm so với dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Thực tế, 2 dự án thành phần này có nhu cầu vận tải rất lớn (xếp thứ hai và thứ ba trong 5 dự án đầu tư theo phương thức PPP) cho thấy sự cần thiết, cấp bách của hai dự án này.
Thêm vào đó, hiện nay đã có 9/11 dự án thành phần dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022, riêng Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành năm 2023. Vì vậy, nếu không khẩn trương thực hiện 2 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của Dự án.
Từ phân tích này, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề nghị của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần này và báo cáo kết quả với Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 chứ không phải chờ Quốc hội thông qua.
Sau đó, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 qua đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chuyển đổi từ phương thức PPP sang đầu tư công với 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Thu Hằng
Lộ diện nhà đầu tư trúng thầu dự án cao tốc Bắc Nam hơn 5.500 tỷ
Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải được đề nghị là nhà đầu tư trúng thầu dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1 km.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét