Hà Nội giao các đơn vị xây dựng kịch bản ứng phó, khuyến cáo người dân trong các ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức “rất xấu”, “nguy hại” để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe.
Trong những ngày đầu tháng 1, tất cả các điểm quan trắc tại Hà Nội đều cho chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức "xấu", làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Chỉ số AQI tại Hà Nội luôn ở mức "xấu", "rất xấu" trong những ngày qua. Ảnh: Trần Thường |
Dự báo từ nay đến tháng 3 là khoảng thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi gây suy giảm chất lượng không khí.
Để cải thiện chỉ số AQI, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản hoả tốc yêu cầu Sở TN&MT phối hợp các sở, ngành, UBND các quận huyện, thị xã vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, rà soát vận động các cơ sở sản xuất bếp than/than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn TP.
Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các sở, ngành liên quan xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí, lồng ghép kế hoạch dài hạn/trung hạn/ngắn hạn về bảo vệ môi trường không khí ở TP.
Đồng thời phối hợp Sở NN&PTNT tổ chức đánh giá tính hiệu quả các mô hình hạn chế đốt rơm rạ đã thực hiện, nghiên cứu đề xuất mô hình ứng dụng tái sử dụng rơm rạ sau vụ mùa; đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ người dân sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường, đảm bảo mục tiêu không còn tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.
Công an TP có nhiệm vụ tăng cường phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen, phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng. Trong đó tập trung các phương tiện sử dụng nhiên liệu dầu diesel, không đảm bảo che chắn gây ô nhiễm môi trường, cuốn đất đá trên đường.
TP giao Sở Xây dựng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng, công trình cải tạo sửa chữa, lát đá vỉa hè.
Sở Y tế phối hợp Sở TN&MT xây dựng kịch bản ứng phó, khuyến cáo người dân trong các ngày chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức “rất xấu”, “nguy hại” để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng.
TP Hà Nội cũng giao các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở tôn giáo, thờ tự hạn chế đốt hương, vàng mã, đặc biệt trong các dịp lễ tết cuối năm và lễ hội đầu năm mới để giảm thiểu tác động tới môi trường không khí.
UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn đảm bảo việc thu gom triệt để rác thải, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, không để tồn đọng.
Chủ động xây dựng các vị trí lưu giữ, trạm trung chuyển để có thể chủ động lưu giữ rác thải trong khoảng thời gian từ 5-7 ngày đảm bảo an ninh rác, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trong trường hợp các khu xử lý chất thải tập trung của TP không thể tiếp nhận rác thải.
Ngoài ra, các quận huyện, thị, xã phát động phong trào tới từng phường xã, tổ dân phố, các hội phụ nữ, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên tổ chức các chương trình ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn vào các ngày thứ bẩy, chủ nhật. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định…
Thu hồi xe cũ nát gây ô nhiễm, muốn là làm được
Giải quyết vấn đề xe cũ nát, Nhà nước cần có chính sách để cùng với nhà sản xuất thu hồi lại phương tiện.
Hương Quỳnh
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét