Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Đêm định mệnh của anh giám đốc “tiền tỷ” ngồi xe lăn

Vụ tai nạn định mệnh đã khiến cuộc đời của chàng trai khôi ngô Lê Huy Tích rẽ sang hướng khác. 10 năm vực dậy, vượt lên số phận nghiệt ngã anh trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người khuyết tật.

Giữa trời đông Hà Nội trong dòng xe tấp nập, một người đàn ông lái chiếc xe có hình thù kỳ lạ bon bon trên phố trước ánh mắt tò mò của nhiều người.

Anh là Lê Huy Tích, Giám đốc Công ty TNHH MTV Người khuyết tật tỉnh Hòa Bình. Vượt hơn 70km bằng xe điện tự chế, anh Tích về thủ đô báo công với Bác Hồ.

Vụ tai nạn định mệnh

Anh Tích sinh năm 1978, là con cả trong một gia đình công chức ở phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Sau khi học CĐ chuyên ngành cơ khí chế tạo máy thủy, anh xin vào công tác tại đoạn quản lý đường sông số 9 - đơn vị làm nhiệm vụ quản lý về đường thủy nội địa trên tuyến sông Đà. 

{keywords}
Anh Lê Huy Tích cùng sản phẩm xe lăn đầu kéo cho người khuyết tật.

29 tuổi anh đã đi dọc sông Đà từ Mường La (Sơn La) đến Việt Trì (Phú Thọ) để sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền hỏng hóc, duy trì an toàn đường thủy.

Cuối năm 2006, sau 7 năm cống hiến, anh được đề đạt bổ nhiệm vị trí quản lý toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị của đơn vị. Anh học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, lấy chứng chỉ, khi đó quyết định bổ nhiệm đã nằm trên bàn, chỉ chờ anh về. Con đường sự nghiệp “kết trái ngọt” của anh chờ ngày hái thì tai họa ập đến.

"11h đêm của ngày mùa đông năm 2007, thời tiết cũng lạnh giá và rét buốt như năm nay, trên đường từ nhà  xuống huyện Kỳ Sơn để trực, tôi bị một xe đi ngược chiều rọi đèn thẳng vào mắt. Tôi loạng choạng, xe máy đâm vào cột mốc giới hạn tốc độ. Tôi bất tỉnh", anh Tích nhớ về vụ tai nạn định mệnh.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, anh thấy mình đã ở trong BV Việt Đức, chỉ cử động được đầu và hai tay, các bộ phận từ phần ngực trở xuống đã mất cảm giác.

Vụ tai nạn làm anh Tích bị đứt tủy, liệt hoàn toàn 2 chân. Mọi dự định của anh đều dừng lại, kể cả hạnh phúc riêng. Nằm viện một tuần, anh trở về với gia đình trong tâm trạng buồn rầu, thất vọng, chán chường. Ai cũng nghĩ rằng: "BV Việt Đức mà trả về nghĩa là hết thuốc chữa. Tôi mất sức khỏe, đôi chân không đi lại được. Một không khí nặng nề u ám bao trùm lên cả gia đình tôi".

{keywords}
Anh Tích trong Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Một năm rưỡi chỉ nằm một chỗ, cơ thể bị lở loét, gia đình, bạn bè đến thăm anh đều không kìm được nước mắt.

"Vét sạch số tiền dành dụm định để cưới vợ, từ Tuyên Quang, đi Hải Dương, Hà Nội, thậm chí sang cả Trung Quốc, tôi cùng bố mẹ rong ruổi tới khắp những nơi có người mách chữa được bệnh", anh kể.

Có người mách anh sang Singapore để cấy tủy với chi phí khoảng 450 triệu đồng, đúng bằng giá trị mảnh đất gia đình anh đang ở. Anh đắn đo rồi quyết định không đi, bởi chữa xong rồi thì gia đình ở đâu.

Đứng lên bằng ý chí mạnh mẽ

Được đồng nghiệp thiết kế cho chiếc giường nâng lên, hạ xuống theo từng đoạn với dây đai cố định phần thân dưới, anh Tích luyện bài học đầu tiên là tập nâng cơ thể dần lên. Thêm 4 tháng đắp thuốc để cố định cột sống, anh mới nâng mình dậy được.

Sau 3 năm tập ngồi, anh tiếp tục tập đứng. Anh đứng được 1 phút, 2 phút, 5 phút, rồi tăng lên 30 phút, đến 1 giờ đồng hồ...

{keywords}
Xưởng sản xuất xe cho người khuyết tật của anh Tích tại Hòa Bình. Ảnh: Ban thi đua khen thưởng TƯ

Anh tâm niệm: "Ngồi xe lăn cũng là dịch chuyển, mình muốn đi phải có phương tiện”. Anh quyết tâm thích nghi với môi trường sống bằng chiếc xe lăn". Anh thiết kế lại không gian sinh hoạt của mình, để không cần đến sự trợ giúp, từ việc hạ cái bếp nấu ngang tầm xe lăn đến chế ra cái cây khều đồ vật. Sau đó, gia đình mua cho anh chiếc xe lăn để làm bạn đồng hành.

Thời điểm đó, với trường hợp đã vào biên chế được 7 năm như anh, vẫn được hưởng chế độ thương tật trên 3 triệu đồng/tháng. Cùng với sự trợ giúp của gia đình và bạn bè, anh vẫn có thể đảm bảo được cuộc sống nhưng trong anh lúc nào cũng khao khát có được cuộc sống ý nghĩa hơn, tự khẳng định được bản thân mình.

Cảm nhận được sự quyết tâm của con, bố mẹ anh đồng ý cho mở cửa hàng sửa điện thoại...

{keywords}

Nhờ sự chăm chỉ, tỉ mỉ cùng chữ tín, khách đến ngày càng đông anh có nguồn thu nhập đủ chi trả tiền thuốc men hàng tháng. Thế nhưng “cái hạn” vẫn chưa buông tha anh, trong một lần sửa thiết bị, anh vô ý giơ tay làm nồi canh nóng đổ ụp vào chân. Anh đóng cửa hàng,  phải nghỉ nửa năm để đi chữa trị vết bỏng.

Trong lần đến trung tâm phục hồi thể chất để hỏi mua chiếc xe lăn tự động, anh được báo giá tới 67 triệu đồng, một khoản tiền quá lớn. Anh tự hỏi tại sao không tự chế tạo đầu kéo xe lăn bằng điện với giá thành rẻ hơn.

Bằng những kiến thức chế tạo máy thủy được học, anh lên bản vẽ và chia sẻ ý tưởng với  bạn bè, cộng sự. Nhưng lần này anh  phải trải qua “cửa ải” của gia đình, khi vết thương từ sau vụ tai nạn ở cửa hàng điện thoại vẫn còn đó, bố mẹ nhất quyết không cho anh làm thêm gì.

Hai cuộc họp gia đình đầy đủ lớn bé, nội ngoại được triệu tập, ai nấy đều cho rằng anh cố chấp. Anh Cương quyết nói trước mặt bố mẹ: “Chỉ cần tin con thêm một lần này, nếu không được con sẽ theo hết ý bố mẹ”.

Cầm khoản tiền trợ cấp tai nạn và vay thêm 50 triệu đồng từ ngân hàng, anh quyết định học thêm về chế tạo máy. Người lành sửa chữa máy móc đã khó, với anh Tích lại càng khó khăn hơn.

Năm 2015, anh mở một cơ sở nhỏ để tiện cho việc sửa chữa và nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc xe lăn đầu kéo chạy bằng điện đầu tiên dành cho người khuyết tật.

Giá một chiếc xe chỉ dao động trong khoảng 5 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với giá của một chiếc xe lăn tự động trên thị trường...

Kết cấu xe có phần đầu kéo riêng, dễ dàng lắp ghép với xe khác, giúp người dùng chủ động tháo lắp mà không cần sự giúp đỡ của người khác. Khi không cần đi xa, người dùng có thể tách rời đầu kéo và di chuyển bằng bánh lăn.

{keywords}
Anh Lê Huy Tích là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên vượt khó trong cuộc sống, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho hàng trăm người khuyết tật khác.

Đến nay, hàng trăm sản phẩm của công ty được đưa đến hơn 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ Yên Bái, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, đến Quảng Nam, Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh...

Để thuận tiện cho người khuyết tật làm việc, anh Tích còn sáng tạo ra những thiết bị hỗ trợ đặc biệt như chiếc bàn làm việc ngang tầm với xe lăn, chiếc ghế nhỏ để họ có thể di chuyển mà không dùng đến xe lăn...

Ở quê nhiều người gọi anh là "Tích tiền tỷ", do thấy anh thường xuyên có những chiếc xe lạ lùng, cứ vài tháng lại có một xe mới băng băng chạy trên đường.

Tại cuộc thi giải pháp sáng tạo tiếp cận người khuyết tật tổ chức năm 2019 ở Hà Nội, anh Lê Huy Tích nhận giải cao nhất của cuộc thi. Hiện nay, anh đã chế tạo thành công chiếc xe điện cho người khuyết tật.

Lần đầu tiên chạy đường dài từ Hòa Bình về Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, anh muốn khẳng định rằng, những người khuyết tật “tàn nhưng không phế”. 

Câu chuyện của anh Tích đã truyền cảm hứng cho những người cùng hoàn cảnh vươn lên hòa nhập với xã hội, có ích cho cộng đồng. Hiện, công ty do anh làm giám đốc tạo việc làm cho 9 người khuyết tật và 2 lao động tự do có thu nhập ổn định với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Tiếng gõ trong khoang sà lan chìm và cuộc giải cứu của chiến sĩ 9X

Tiếng gõ trong khoang sà lan chìm và cuộc giải cứu của chiến sĩ 9X

Đối đầu với “giặc lửa” hay những lần cứu hộ khẩn cấp do tai nạn là “mặt trận” không tiếng súng, không có tội phạm nhưng không kém phần hiểm nguy và gian khổ. 

Dấu chân lịch sử của người thợ ở nơi sâu nhất ngành than Việt Nam

Dấu chân lịch sử của người thợ ở nơi sâu nhất ngành than Việt Nam

“Ăn cơm dương gian, làm nghề âm phủ” là câu nói gắn với nghề thợ mỏ. Họ làm việc thường xuyên ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, mặt mũi đen đặc vì than.

Thành Nam



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét