Từ chiến tranh với những cuộc không chiến khốc liệt, những cựu phi công Việt Nam - Mỹ không thay đổi được quá khứ nhưng họ gặp lại nhau với trách nhiệm xây dựng tương lai tốt đẹp.
Tháng cuối cùng của năm 2020, trong khí thế hào hùng của các ngày kỷ niệm Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng Phòng không - Không quân, một cuốn sách đặc biệt của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân được giới thiệu đến công chúng.
Danh tiếng và những chiến công hiển hách của ông đã được nhiều người biết tới, kể cả người Mỹ. Từ anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam - phi công Át (ACES - bắn rơi 5 máy bay trở lên), Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND khi mới 27 tuổi.
Ở tuổi 74, giọng nói của ông trầm ấm, nội lực, thân hình rắn rỏi như thanh niên đôi mươi. Bên những trang nhật ký sờn màu, tướng Soát ngồi kể về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt trên bầu trời Tổ quốc.
Năm 1965, Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, sử dụng không quân đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Đất nước được tổng động viên với phong trào thanh niên ba sẵn sàng. Giống như bao thanh niên khác tại quê lúa Hà Tây (nay là Hà Nội), lớp lớp người xung phong ra tiền tuyến, chàng trai 19 tuổi Nguyễn Đức Soát cũng “xếp bút nghiên” với mong muốn ra trận.
“Vừa học xong lớp 10, tôi khám sức khỏe đi bộ đội với các bạn cùng trang lứa. Trông vóc dáng cao to như vậy, nhưng kết quả khám lại thuộc loại B2 (loại thấp nhất), không đủ điều kiện nhập ngũ. Tôi không hiểu lý do gì mà nhiều lần đi khám đều có kết quả như vậy”, ông nhớ lại.
Mấy ngày sau đó, đoàn giám định của trường không quân về địa phương tuyển chọn phi công và chọn được 2 người, trong đó có ông. Chàng trai Nguyễn Đức Soát ra Bệnh viện 108 ở Hà Nội khám sức khỏe tiếp trong 2-3 ngày liền. Các bác sĩ thông báo anh đáp ứng được nhiệm vụ, thậm chí còn được đánh giá là có sức khỏe tốt nhất trong nhóm tuyển chọn.
Đúng lúc này gia đình lại nhận được giấy báo cử đi học ở Đức, nên ông phân vân. “Ngày đó để được đi nước ngoài học rất hiếm và xa xỉ, nhưng đi Đức rồi thì không lái máy bay được nữa. Một sự lựa chọn khó khăn với tôi”, ông Soát nói. Ông nấn ná chờ thêm 5 ngày, nếu không có giấy báo trúng tuyển phi công thì sẽ đi Đức học.
Ông không phải chờ lâu, đến ngày thứ ba, một thượng úy không quân cùng cán bộ xã đến thông báo rằng hai ngày tới ông đến tập trung tại tỉnh đội Hà Đông để nhập ngũ vào không quân và đề nghị gia đình giữ kín chuyện.
Biết con trai chọn đi học phi công, bố mẹ ông phản đối, đặc biệt là mẹ. Bà khóc hết nước mắt và tìm mọi cách ngăn cản. “Anh ruột tôi khi đó 22 tuổi cũng là phi công. Năm đó, anh vừa tốt nghiệp trường sĩ quan phòng không rồi tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào. Chiến tranh đã cướp đi người con trai cả của mẹ tôi. Anh là sĩ quan không quân đầu tiên hy sinh. Giờ cũng làm cha làm mẹ rồi, tôi hiểu được ngày đó vì sao mẹ lại nhất quyết phản đối chuyện tôi đi lính, làm phi công”, ông tâm sự.
Điều này cũng giải thích lý do vì sao Nguyễn Đức Soát luôn bị “đánh trượt” mỗi khi đi khám sức khỏe. Người anh trai là sĩ quan phòng không mới hy sinh, nên ông được miễn trừ quân ngũ.
Tuy nhiên, tình thế chiến tranh, các cán bộ huyện, xã đến nhà động viên nên ông đi học bay vì đất nước đang thiếu phi công chiến đấu. Tâm tư, nguyện vọng ngay từ đầu, ông đã rất thích được làm phi công, đọc các bài báo về các trận đánh trên không và rồi những câu chuyện của Liên Xô (cũ) đã lôi cuốn ông theo nghề này.
Thấy sự quyết tâm của con, mẹ ông Soát đành đồng ý nhưng bà vẫn canh cánh nỗi lo. Thời đó, thanh niên đi tòng quân được tiễn đưa rất náo nhiệt, riêng ông âm thầm lên đường.
250 chàng trai gồm bộ đội, học sinh, sinh viên được tuyển chọn đưa đi đào tạo phi công chiến đấu, trong đó có hơn 100 người được gửi sang Liên Xô. Ông kể lại: “Tôi nhập ngũ vào không quân ngày 4/7/1965. Chỉ sau 23 ngày, tôi cùng 58 học viên khác lên tàu từ ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) sang Liên Xô. Do nhu cầu cần sớm có lực lượng không quân bổ sung cho các lớp đàn anh đang chiến đấu, chúng tôi được đào tạo nhanh nhất có thể.
Chỉ sau 2 năm 9 tháng, chúng tôi đã hoàn thành chương trình đào tạo phi công máy bay chiến đấu MiG-21, loại máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Liên Xô thuở ấy, trong khi chương trình đào tạo của bạn phải mất 5 năm”.
Cuối tháng 4/1968, ông trở về “đất mẹ”, được đoàn xe đón từ Đồng Đăng về Hà Nội. Trên đường về thủ đô, ông không khỏi xốn xang, “niềm vui xâm chiếm hồn mình”, khắp nơi khí thế hừng hực. Mặc dù gặp bao nhiêu cảnh tàn phá, đổ nát nhưng cuộc sống chiến đấu vẫn rất sôi nổi, từ các bà các chị họp chợ ven đê, đến các cô gái cày bừa trên thửa ruộng, những thanh niên xung phong vừa đùa vui vừa làm việc.
Ông được phân công về Trung đoàn không quân 921, một tháng sau, ông lên máy bay đi chiến đấu. Ngày 11/5/1968, lần đầu cất cánh trên bầu trời Tổ quốc thân yêu, tại sân bay Đa Phúc, phi công trẻ Nguyễn Đức Soát đã chuẩn bị tâm thế cho chuyến bay lịch sử này.
Cảm xúc trong lần đầu, từ trên cao nhìn xuống, ngô lúa, cỏ cây trang điểm cho mặt đất một màu xanh ngút ngàn. Dòng sông Hồng đỏ ngầu, cuồn cuộn lao ra biển, hai bên bờ là những làng mạc nhỏ bé. “Lần đầu được tung cánh, Tổ quốc mình đẹp thật!", ông thốt lên và nghĩ tới trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, quê hương, đất nước.
Sau này, câu hát “Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc…” trong bài hát “Hà Tây quê lụa” của nhạc sĩ Nhật Lai được lấy cảm hứng chính từ câu chuyện của phi công Nguyễn Đức Soát khi bay trên bầu trời quê hương.
Những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc, Mỹ đã phóng hàng trăm máy bay trinh sát không người lái nhằm trinh sát các hệ thống, tuyến đường, công trình của ta từ Thái Nguyên, Yên Viên, Văn Điển (Hà Nội) đến cảng Hải Phòng. Khu vực phóng thường từ Bà Lạt (Nam Định) hoặc đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), tướng Soát cho biết, cái khó khi đánh máy bay này là do chúng nhỏ, bay thấp nên radar không bắt được mục tiêu.
Ký ức lần đầu tiên bắn rơi máy bay trinh sát không người lái ông không bao giờ quên. Ông viết trong nhật ký: “Lòng mình xốn xang một niềm vui khó tả. Niềm vui thật trẻ con, làm mình cứ rạo rực, lâng lâng”.
Sáng hôm đó, trước giờ bay, ông cùng đồng đội đang đo huyết áp thì còi báo động vang lên, chỉ ít phút sau biệt đội được lệnh cất cánh. Chỉ huy sở thông báo mục tiêu liên tục. Khi đã bay trên cao khoảng 400m, tướng Soát cùng đồng đội phát hiện mục tiêu không người lái đang bay ở phía dưới, thấp hơn tiêm kích.
“Trông thấy nó với các hình thù quái dị, 2 cánh chông chênh đỡ cái động cơ ở bụng, một cảm nghĩ vừa căm thù vừa khinh bỉ dậy lên”, ông thầm nghĩ khi bay đuổi theo. Tuy radar không bám được nhưng chỉ trong thoáng chốc, máy bay trinh sát không người lái của Mỹ đã nằm gọn trong máy ngắm PKI của phi công Việt Nam.
Tốc độ tiêm kích rất lớn, vì thế ông Soát phải hết sức nhẹ nhàng mới giữ được điểm ngắm cố định, đến khi ở cự ly 1,5km ông bóp cò. Quả tên lửa từ tiêm kích của Nguyễn Đức Soát lao đi chệch hướng, nổ ngay cạnh máy bay không người lái của địch.
Sau 2 giây ổn định điểm ngắm, ông lại ấn cò, quả tên lửa thứ hai được bắn đi rất căng, hướng về máy bay trinh sát, một đám lửa to lan rộng cùng tiếng nổ như tiếng pháo vang lên. “Trúng rồi! Cháy rồi!” - Nguyễn Đức Soát cùng đồng đội hô vang chiến thắng. Ông đã thành công khi lần đầu tiên bắn hạ máy bay trinh sát ở ngay khu vực núi đá vôi chùa Hương. Trở về đơn vị, bạn bè thợ máy chúc mừng chiến công của ông, nhưng ông vẫn thấy chưa vui trong lòng vì phải bắn tới phát thứ hai.
Đầu năm 1973, trong tài liệu tổng kết của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân ghi nhận chiếc F-4J duy nhất của Thủy quân Lục chiến Mỹ bị phi công Nguyễn Đức Soát bắn hạ tại Việt Nam. Trong khi các không đoàn F-4 của Thủy quân Lục chiến Mỹ chỉ làm nhiệm vụ yểm trợ cho Thủy quân lục chiến ở miền Nam Việt Nam. Vậy bằng cách nào chiếc F-4J đó lại bay ra miền Bắc và bị bắn hạ, câu hỏi đó cứ đeo bám tướng Soát suốt nhiều năm và phải đến tận năm 2011 ông mới có được câu trả lời.
Ông kể lại, đầu tháng 10/2011, cựu Đại úy Mỹ Richard Berry gửi thư cho Tùy viên quân sự Mỹ tại Việt Nam đề nghị gặp tướng Soát, bởi Berry là bạn thân của phi công Sam Garry Cordova - phi công F-4J bị hạ năm xưa.
Một buổi chiều tối tháng 12/2011, tại nhà hàng ven hồ Tây lộng gió và thơ mộng, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã gặp vợ chồng cựu Đại úy phi công hải quân Mỹ Richard Berry. Trong không khí cởi mở, từ “cựu thù” hai ông như trở thành bạn tâm giao khi cùng nhau ôn lại chuyện “trên trời, dưới đất”.
Ông Berry đã giải đáp thắc mắc bấy lâu nay của tướng Soát. Sau khi hoàn thành tham chiến ở căn cứ Chu Lai, phi đoàn VNMA-232 đã chuyển về căn cứ ở Thái Lan với 24 phi công và dẫn đường. Viên phi đoàn trưởng khi đó tình nguyện tham gia “săn MiG” ở Bắc Việt Nam, trong phi đoàn chỉ có Cordova xung phong đi cùng. Như vậy, do chỉ có 2 phi công xung phong nên trong trận này cũng chỉ có 2 chiếc F-4J xuất kích.
Suốt một thời gian dài họ từng là đối thủ trên trời của nhau và chỉ biết tên tuổi của nhau qua sách báo, chưa từng một lần gặp mặt, nay được gặp nhau, “nút thắt” trong lòng như được cởi bỏ.
Sau này, Trung tướng Nguyễn Đức Soát là người đề xuất và tổ chức 3 cuộc gặp giữa các cựu phi công Mỹ và Việt Nam từng tham chiến để tìm hiểu thêm chuyện phía sau các trận đánh, cũng như cơ hội để khép lại quá khứ, gắn kết quan hệ hai nước. Đó là vào các năm 2016, 2018 tổ chức ở Việt Nam và đặc biệt nhất là năm 2017, có cuộc hội ngộ trên đất Mỹ.
Hầu hết phi công Việt Nam và Mỹ có mặt tại 3 cuộc gặp gỡ đều từng đụng độ nhau trên bầu trời miền Bắc Việt Nam gần nửa thế kỷ trước. Có người từng bắn rơi máy bay đối phương, người từng bị đối phương bắn rơi. Nay các phi công đều đã trên 70 - 80 tuổi, nhiều người có địa vị trong xã hội. Dù không thay đổi được quá khứ nhưng họ đều ý thức được trách nhiệm phải xây dựng tương lai.
Tháng 9/2017, 12 cựu phi công tiêm kích Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Đức Soát dẫn đầu có cuộc gặp với gần 100 cựu phi công Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Cuộc gặp diễn ra trên Bảo tàng tàu sân bay USS Midway (San Diego, California, Mỹ).
USS Midway từng là tàu chiến lớn nhất thế giới và là 1 trong những phương tiện di chuyển lớn nhất do con người sáng chế.
Sau 47 năm, trong đó có tham gia chiến tranh Việt Nam USS Midway đã lui về "nghỉ hưu" vào năm 1992. Giờ đây, con tàu nằm bình lặng tại San Diego, trở thành một bảo tàng nổi khổng lồ. Trên boong có 80 máy bay chiến đấu, giờ đây nó đã trở thành một phần hiện vật của bảo tàng.
Trong cuộc gặp này, phía cựu phi công Mỹ có bốn người là phi công đạt đẳng cấp ACES. Còn Việt Nam có ba người gồm phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy (bắn rơi 7 chiếc), phi công Lê Thanh Đạo (bắn rơi 6 chiếc) và trung tướng Nguyễn Đức Soát (bắn rơi 6 chiếc).
Các cựu phi công trao đổi theo từng nhóm để tìm hiểu về các trận không chiến của chính họ diễn ra hơn 40 năm trước. Những tấm bản đồ, sơ đồ, nhật ký chiến đấu được bày ra. Khi thảo luận nhóm, hai phi công vẽ lại trên giấy đường bay và tình huống.
Tại đây, trung tướng Nguyễn Đức Soát đã gặp đại úy John P.Cerak - người bị ông bắn rơi trong trận ngày 27/6/1972. Khi đại úy John P.Cerak bị giam trong Hỏa Lò, tướng Soát cũng đã tới thăm.
Ngồi trên khán đài cùng tướng Soát, bằng giọng nói trầm trầm và khá hóm hỉnh, ông John P.Cerak kể lại: Một ngày đẹp trời, quang mây và nắng, biên đội không quân gồm 4 chiếc F-4 của Mỹ từ sân bay Cò Rạt (Thái Lan) sang Bắc Việt Nam. Được thông báo có MiG trong khu vực, bật radar nhưng không thấy, nghĩ rằng MiG đã không bám kịp, phi công John P.Cerak kéo mạnh cần lái giảm độ cao.
Đúng lúc ấy một quả tên lửa không đối không đâm thẳng vào máy bay của phi công Mỹ, khiến John P.Cerak bị hất ngược ra phía trước và chỉ kịp bấm nút nhảy dù. “Tướng Soát đã làm một chuyến du ngoạn thú vị trong một ngày đẹp trời của tôi”, cựu phi công Mỹ kể lại. Nghe thế cả hội trường rộ lên tiếng cười vui vẻ.
John P.Cerak tâm sự với tướng Soát rằng: “Năm ngày sau khi máy bay rơi, tôi đang trong “Hà Nội Hilton” (nhà tù Hỏa Lò) thì được thông báo có khách đến thăm. Tôi đã gặp tướng Soát từ dạo ấy. Được gặp ông hôm nay, tôi rất xúc động và mong được làm bạn với ông”, John P.Cerak tâm sự.
Những cựu phi công - họ xúc động khi từng là kẻ thù của nhau lại có những giây phút thân tình như thế. Và cả trước đây, khi rượt đuổi nhau trên bầu trời, chính các ông cũng là những người lính đầy lòng vị tha và nhân văn.
Một thời tung hoành oanh liệt trên bầu trời, một thời đã làm kinh hoàng không quân Mỹ giờ đây, Trung tướng Nguyễn Đức Soát sống một cuộc sống giản dị trong căn nhà ở gần Bảo tàng Phòng không không quân (Hà Nội). Cuộc sống thường ngày không làm mất đi chất lính trong con người ấy. Nỗi nhớ bầu trời vơi đầy trong những cuộc tụ họp của những người đồng chí, anh em cùng chiến đấu năm xưa, nay người còn, người mất.
Cuộc sống hiện tại cứ nối tiếp, ông có những người bạn ở trời Tây, cách xa nửa vòng trái đất vẫn thường xuyên sẻ chia chuyện vui buồn.
Bài viết có tham khảo Nhật ký phi công tiêm kích của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
Ảnh: Trung tá Nguyễn sĩ Hưng, Tư liệu, USS Midway Museum
Trần Thường - Thiết kế: Thu Hằng
Tiêm kích cùng anh hùng Nguyễn Văn Bảy hạ gục 'Con ma, Thần sấm' Mỹ
Tiêm kích MiG-17 - "cánh én bạc'' của Không quân Việt Nam từng bị xem thường là lạc hậu đã diệt gọn những chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ thập niên 1970.
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét