Ba điểm đột phá trong nhiệm kỳ mới được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh là về con người, những thành phần then chốt khu vực vùng Đông và ưu tiên phát triển vùng Tây còn nhiều khó khăn...
Chủ tịch Lê Trí Thanh cho biết: Sắp tới, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Trong đó, sẽ tập trung phân tích kỹ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh.
Mục tiêu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 là yêu cầu của Bộ Chính trị đặt ra đối với tỉnh và cũng là quyết tâm lớn vừa được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) thông qua.
- Dịch bệnh gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách, trong năm qua Quảng Nam đã xoay xở thế nào, thưa ông?
Quảng Nam thực hiện điều chỉnh theo hướng cắt giảm chi tiêu và cắt các dự toán đã phân bổ nhưng chưa cần thiết trong năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh |
Cắt giảm đầu tư công để tập trung cho các công trình đầy đủ thủ tục pháp lý, đủ điều kiện để triển khai. Những dự án không đủ thủ tục triển khai tỉnh cũng loại bỏ, không đầu tư trong giai đoạn này.
Quảng Nam cũng cắt giảm cả chi tiêu thường xuyên, kể cả chi đầu tư để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, đồng thời xin TƯ cho bù thu từ nguồn cải cách tiền lương địa phương còn thừa (khoảng hơn 2.000 tỷ). Việc này đã trình Chính phủ xem xét.
Quá trình điều hành cũng rất linh hoạt, thu nhiều thì đầu tư theo kế hoạch, theo dự toán. Nếu thu ít thì phải giảm chi.
Kể cả đầu tư công, năm 2021, tỉnh cũng xác định tinh thần là rất tiết giảm để phù hợp với ngân sách, không đầu tư tràn lan vượt quá khả năng cân đối.
Dấn thân vì lợi ích chung
- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) hướng đến việc tạo môi trường dân chủ để nhân sự dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Xin ông cho biết, những giải pháp và cơ chế cụ thể để thực hiện việc đó?
Đại hội Đảng bộ tỉnh hết sức chú trọng yếu tố con người để phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Về mặt pháp luật, Quảng Nam chấp hành theo các quy định của TƯ. Mặt khác, tỉnh cũng sẽ ban hành các quy định phù hợp với đặc điểm của tỉnh trên cơ sở đúc rút những bài học, những tồn tại, hạn chế trong những năm qua.
Quảng Nam luôn kêu gọi cán bộ dấn thân, cố gắng làm hết mình, đừng bao giờ đặt lợi ích cá nhân, vụ lợi, động cơ không trong sáng vào công việc.
Một góc TP Tam Kỳ |
Cùng với việc nghiêm trị các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, TƯ hiện đã có dự thảo quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và có sáng tạo.
Hiện, TƯ đã lấy ý kiến của các cấp ủy, các địa phương, các bộ ngành và sẽ sớm ban hành trong thời gian tới. Đây chắc chắn là động lực để thúc đẩy năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ công chức.
Tôi nghĩ rằng, cơ chế phù hợp sẽ giải tỏa được năng lực của con người. Người Quảng Nam cũng vậy, cơ chế tốt sẽ tạo cho họ cơ sở để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của tỉnh cũng như cả nước.
Ba điểm đột phá
- Được tín nhiệm, bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ mới (2021-2025), ông có thể cho biết những điểm đột phá đã được xác định để Quảng Nam phát triển bền vững là gì?
Với trách nhiệm là Chủ tịch UBND tỉnh, trong 5 năm tới, trước hết, tôi chọn đột phá về con người, tổ chức bộ máy.
Cụ thể là sẽ hợp lý hóa hệ thống tổ chức bộ máy của các cơ quan, các đơn vị chức năng. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, xử lý những bất cập trong quá trình vận hành và ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là CNTT vào công tác chỉ đạo điều hành.
Con người là yếu tố quyết định đến sự thành bại của công việc. Nếu không đột phá về con người thì có đề ra những mục tiêu cao đẹp đến bao nhiêu đi nữa cũng sẽ gặp khó khăn.
Thứ hai là đột phá những thành phần then chốt của khu vực vùng Đông kết nối với khu vực vùng Tây. Khi hệ thống giao thông đồng bộ được tập trung đầu tư thì các nguồn lực về đất đai, các nguồn tài nguyên, tiềm năng của những khu vực này sẽ được khai phá.
Còn nếu hạ tầng đầu tư không đồng bộ, không bền vững thì chắc chắn rất khó để phát triển khu vực vùng Đông. Chúng tôi coi vùng Đông là vùng tạo động lực, tạo nguồn thu lớn, giải quyết nhiều việc làm, tạo bứt phá trong 10 năm tới...
Đột phá thứ ba là phát triển vùng Tây. Đây là khu vực rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì lớn. Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh đã triển khai Nghị quyết 05 về một số dự án ở vùng Tây nhưng mới ở giai đoạn khởi đầu. Giai đoạn sắp tới, tỉnh sẽ đánh giá Nghị quyết 05, cùng với Nghị quyết 88 của Chính phủ về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi để phát triển bền vững.
Phát triển khu vực vùng Tây, việc đầu tiên là sắp xếp dân cư. Hiện còn khoảng 3.000 hộ nữa cần được tập trung sắp xếp.
Việc sắp xếp không những sẽ giảm được thiệt hại do thiên tai mà còn giảm suất đầu tư hạ tầng xã hội. Người dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận được các dịch vụ tiên tiến, đời sống sẽ được nâng lên.
Đồng thời, phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ rừng, nhất là hệ thống rừng tự nhiên...
Bài học quý về lựa chọn hiền tài đại diện cho nhân dân
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũng như các tỉnh khác cho chúng ta nhiều bài học quý giá, trước hết là việc lựa hiền tài, đại diện xứng đáng cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Kiều Oanh (thực hiện)
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét