Thông tin được Phó GĐ Sở Xây dựng TP Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết tại hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò, đột phá cho phát triển KT-XH Quảng Nam và Đà Nẵng” tổ chức chiều 8/1.
Tại hội thảo, đại diện chính quyền tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, các chuyên gia đầu ngành, các DN đã trình bày các tham luận liên quan đến vấn đề khớp nối, định hướng quy hoạch sông Cổ Cò; cơ hội đầu tư, phát triển các dự án du lịch sinh thái, các dự án bất động sản khi dòng sông được khơi thông…
Ở phần thảo luận mở, nhiều vấn đề của sông Cổ Cò được làm rõ để đẩy mạnh tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò.
Ông Ngô Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, sông Cổ Cò có chiều dài khoảng 28km, kéo dài từ Cửa Hàn (Đà Nẵng) đến Cửa Đại (Hội An).
Sông Cổ Cò đoạn qua TP Hội An |
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định, sông Cổ Cò sẽ là con sông đẹp nhất Việt Nam trong tương lai |
Theo ông Hùng, khu vực ven biển, ven sông Cổ Cò từ TP Đà Nẵng, qua thị xã Điện Bàn đến TP Hội An là vùng trọng điểm trong phát triển thu hút đầu tư. Khi nạo vét sông Cổ Cò, sẽ định hình toàn bộ tuyến ven sông là “Chuỗi công viên văn hóa - lịch sử - sinh thái Quảng Nam”.
Trong khi đó, ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, dự án khơi thông sông Cổ Cò có tổng mức đầu tư khoảng 486 tỷ đồng, tập trung ở 4 phần: nạo vét lòng sông, đầu tư xây dựng hệ thống kè chắn, kiến tạo cảnh quan và nâng cấp các cây cầu.
Theo ông Phong, việc khơi thông sông Cổ Cò mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là hiệu quả khai thác trực tiếp. Dự án có mục đích là bảo vệ dòng sông, khai thác du lịch và xây dựng hình ảnh đô thị.
“Khi con sông Cổ Cò được khơi thông, mọi người dân Quảng Nam, Đà Nẵng và du khách sẽ được sống lại với ký ức về dòng Lộ Cảnh Giang thơ mộng và đầy sức sống khi xưa. Con sông sẽ kết lại một dải danh lam thắng cảnh từ Cửa Đại đến vịnh Thuận Phước như một dải lụa chan chứa sắc màu. Đây là biểu tượng cho sự hợp tác phát triển của hai địa phương”, ông Phong nhấn mạnh.
Sẽ kết nối vùng đô thị giữa Quảng Nam và Đà Nẵng
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, sông Cổ Cò tuy ngắn nhưng mang trong mình rất nhiều ý nghĩa về lịch sử - văn hoá, tự nhiên và môi trường...
Theo ông Thanh, từ năm 1954, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ đặt vấn đề nghiên cứu phải làm sao khôi phục lại dòng sông Cổ Cò với nghĩ khơi thông một dòng sông. Lúc đó, chưa ai nghĩ dòng sông này có tác dụng vô cùng to lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội như ngày hôm nay.
“Sông Cổ Cò được khơi thông sẽ kết nối vùng đô thị giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, nhất là khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc. Khơi thông dòng sông sẽ hình thành đô thị mở rộng Hội An về phía Bắc và mở rộng đô thị của Đà Nẵng về phía Nam.
Tôi tin chắc rằng trong tương lai, sông Cổ Cò sẽ là con sông đẹp nhất của Việt Nam”, ông Thanh kỳ vọng.
Trước thế kỷ XVI, sông Cổ Cò (xưa gọi là Lộ Cảnh Giang) là con sông nổi tiếng trong lịch sử giao thương nối Đà Nẵng với Hội An. Đến thế kỷ XVIII, sông Cổ Cò bị bồi lấp, gây nên những thiệt hại lớn về nhiều mặt cho 2 địa phương này. Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá tầm quan trọng của con sông này đối với quá trình phát triển, từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã hợp tác khơi thông con sông này. Việc khơi thông dòng sông Cổ Cò dài 25 km chảy qua địa phận tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. |
Lê Bằng
Chủ tịch Quảng Nam chia sẻ ba điểm đột phá trong nhiệm kỳ mới
Ba điểm đột phá trong nhiệm kỳ mới được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh là về con người, những thành phần then chốt khu vực vùng Đông và ưu tiên phát triển vùng Tây còn nhiều khó khăn...
Theo Báo VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét