Thứ Năm, 3 tháng 12, 2020

Bộ Công an chỉ rõ loại pháo hoa người dân được đốt vào lễ, Tết

Nghị định 137/2020 quy định về pháo hoa và pháo hoa nổ, Bộ Công an đã có những giải thích rõ về những loại pháo người dân được dùng và mua.

Nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo, sau khi được ban hành đã thu hút sự quan tâm của dư luận và người dân, đặc biệt khi Tết Nguyên đán sắp đến.

Trao đổi tại phiên họp báo Chính phủ ngày 2/12, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, so với Nghị định 36/2009, nghị định mới quy định cụ thể, nghiêm khắc hơn so với quy định cũ.

Trước đây Nghị định 36 chỉ nói chung là pháo hoa nhưng nay quy định thể thể như thế nào là pháo hoa, thế nào là pháo hoa nổ, đối với pháo hoa nổ thì cấm còn pháo hoa thì người dân vẫn sử dụng bình thường

{keywords}
Thiếu tướng Tô Ân Xô.

Pháo hoa chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Pháo hoa theo quy định tại điều 17 của Nghị định mới được hiểu là: Sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng pháo hoa thì chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.

Trả lời câu hỏi ai được phép sử dụng pháo hoa, Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa. Năng lực hành vi dân sự đầy đủ của các đối tượng trên được quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.

Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

{keywords}
Pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Nội đêm giao thừa. Ảnh: Phạm Hải

Nghị định nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ (quy định tại khoản 1 Điều 5). Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.

Do đó, người dân cần có sự phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ, tránh vi phạm pháp luật.

"Có lẽ nội dung này vừa được ban hành ra và đặc biệt dịp Tết gần đến nên người dân quan tâm, nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta tuyên truyền tốt thì người dân sẽ chấp hành tốt Nghị định 137/2020 này", Thiếu tướng Tô Ân Xô nói.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, có thể nói 11 năm sau khi Nghị định 36 ban hành, chúng ta đã quản lý tốt so với trước đây rất nhiều.

Trước đây mua, sử dụng pháo từ Trung Quốc rất nhiều, đặc biệt sử dụng không có quy định, nhưng sau khi có Nghị định 36 được ban hành, tỷ lệ người bị thương do sử dụng pháo trái phép giảm đi rất nhiều.

Và việc ban hành Nghị định 137/2020 nhằm mục đích quản lý tốt hơn việc sử dụng pháo.

Thành Nam - Thu Hằng

Người dân được bắn pháo hoa không tiếng nổ dịp lễ, tết, cưới hỏi

Người dân được bắn pháo hoa không tiếng nổ dịp lễ, tết, cưới hỏi

Theo Nghị định mới của Chính phủ người dân được phép bắn pháo hoa không gây ra tiếng nổ trong các ngày lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi… 



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét