Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Nguyên Phó Thủ tướng: Chung sức giữa đại dịch thay vì tranh thủ kiếm lợi

 Trong lúc nước sôi lửa bỏng, thay vì siết chặt hàng ngũ để ngăn chặn thảm họa chung, người ta lại lời qua tiếng lại, bài xích lẫn nhau, thậm chí tranh thủ tìm kiếm lợi ích riêng!

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan dành riêng cho VietNamNet.

Thuộc loại người yếu thế, tôi tự cách ly hàng tháng nay rồi. May mà bên cạnh con Corona còn có con 4.0 nên không đến nỗi bị biệt lập hẳn với thế giới bên ngoài, trái lại còn thừa thời gian để đọc, để xem, nhất là những gì liên quan tới con virus đang khuynh đảo cả thế gian, bất luận nước lớn hay nhỏ, nước giàu hay nghèo.

{keywords}
Nhân viên y tế trong một phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện ở Italy. Ảnh: AP

Đi tìm nguồn cơn

Về gốc gác, tác hại cũng như phương cách phòng chữa căn bệnh quái ác do virus Corona gây ra, ta chỉ có thể trông vào sự phán xử của các nhà chuyên môn.

Riêng về nguồn cơn kinh tế - xã hội, dường như đang có hai loại ý kiến trái chiều nhau. Một số người đổ riệt cho “toàn cầu hóa”; một số người khác lại phản bác với lý lẽ rằng, bệnh dịch hạch (được gọi là “cái chết đen”) từng bùng phát vào thế kỷ 14 ở cả hai châu lục Á - Âu, dịch đậu mùa bùng phát năm 1520 ở Trung Mỹ, dịch cúm lây lan năm 1918…, cho dù lúc ấy đâu đã có “toàn cầu hóa”?

Là người trần mắt thịt, tôi không dám luận bàn về những chuyện cao xa, phức tạp như vậy. Chỉ có điều đáng nghĩ là: chỉ riêng 20 năm đầu thế kỷ này đã xảy ra tới 5 trận dịch: SARS, H1N1, MERS, Ebola và nay là Covid-19 diễn biến theo chiều hướng tần suất ngày càng dày, mức độ ngày càng trầm trọng, phạm vi ngày càng lan rộng, lần đầu tiên thực sự trên phạm vi toàn cầu.

Cùng với những biểu hiện cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu, phải chăng những trận dịch ngày nay ít nhiều (chứ không phải tất cả) đều liên quan tới mặt trái của cuộc chạy đua khốc liệt về phát triển dưới tác động của toàn cầu hóa?

{keywords}
Đeo khẩu trang trong khuôn viên bệnh viện điều trị Covid-19 ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters 

Nhìn lại những thập kỷ gần đây, kinh tế thế giới phát triển bùng nổ kéo theo quy mô tiêu dùng gia tăng với cấp số nhân. Sau sự xuất hiện các “con rồng”, “con hổ” châu Á là sự lên ngôi của hàng loạt nền “kinh tế mới nổi”, trong đó dân số Trung Quốc và Ấn Độ lên tới hàng tỷ người.

Quá trình đô thị hóa tăng tốc, các đại đô thị với hàng chục triệu cư dân mọc lên như nấm sau mưa, các ngôi nhà chọc trời san sát như rừng cây, xe cộ như nước, áo quần như nêm. Tài nguyên bị khai thác cạn kiệt; rác thải đủ loại chất thành núi, lấp cả sông, thậm chí cả biển cả. Môi trường sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng; không khí bị đầu độc. Số người đi lại làm ăn, ngao du, hội hè, hành hương, cầu nguyện, tỵ nạn… lên tới hàng tỷ lượt/năm…

Cuộc chạy đua khốc liệt ấy vô hình trung trở thành miếng đất màu mỡ cho dịch bệnh nảy sinh và lan tỏa trên toàn cầu với tốc độ chóng mặt.

Đã mấy chục năm nay đâu đâu người ta cũng tung hô khẩu hiệu có cánh là “phát triển bền vững”, nhưng xem ra cái ý tưởng ấy còn xa mới trở thành hiện thực. Nếu tiếp tục mô hình phát triển như lâu nay thì e rằng loài người sẽ khó bề tránh khỏi lưỡi hái tử thần của dịch bệnh, thiên tai ngày càng khốc liệt hơn.

{keywords}
Quán cà phê ở bang Colorado (Mỹ) tạm ngừng hoạt động. Ảnh: AP

Kinh tế, chính trị thế giới sau đại dịch

Tác động ban đầu của đại dịch bộc lộ rõ nhất trong hoạt động của một số ngành dịch vụ như du lịch, giải trí, giao thông… Nhưng rất nhanh sau đó, với việc phong tỏa từng vùng, thậm chí cả các quốc gia, các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, rối loạn kéo theo sự thuyên giảm mạnh cả ở phía “cầu” lẫn phía “cung”. Các gói cứu trợ trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD và cuộc chạy đua hạ lãi suất chỉ có thể giúp các doanh nghiệp tạm né nguy cơ phá sản hàng loạt chứ chưa thể hồi sinh kinh tế.

Nay đã có nhiều tiếng nói, kể cả của Tổng thư ký LHQ, báo động về một cuộc suy thoái toàn cầu mới. Nếu vậy thế giới sẽ phải gánh chịu một đòn “bốn trong một”: Covid + cạnh tranh kinh tế - thương mại - tiền tệ + dầu lửa + tranh hùng chính trị - an ninh”. Nhưng khái niệm kinh điển về chu kỳ khủng hoảng xem ra không thể bao quát hết thực trạng đáng buồn này.

Do đó, câu chuyện không chỉ là phục hồi “hậu Covid-19” mà là cả “hậu khủng hoảng toàn cầu”. Chưa biết rồi ra cơ cấu kinh tế, dòng chảy của vốn đầu tư sẽ ra sao?

{keywords}
Người dân bang Texas giữ khoảng cách khi xếp hàng vào siêu thị. Ảnh: AP

Riêng về dòng vốn thì có lẽ trước hết sẽ tập trung trong thị trường nội địa bị Covid làm cho bầm dập, chưa thể dư thừa đầu tư nhiều ra thị trường bên ngoài. Quá trình phục hồi sẽ kéo dài và cam go hơn nhiều so với thời “hậu khủng hoảng 2008”. Các nhà hoạch định chính sách chắc sẽ phải giải bài toán khá dài hơi và nhiều rắc rối; các chiến lược, chương trình phát triển chắc sẽ phải viết lại.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế, đang và sẽ nảy sinh không ít vấn đề xã hội, trong đó nổi lên là nạn thất nghiệp. Các nước dân số già sẽ càng thiếu nguồn nhân lực, các nước nhân công dồi dào càng dư thừa. Tình trạng tái nghèo sẽ lan rộng, sự phân hóa xã hội càng thêm sâu sắc. Chắc phải mất nhiều thời gian và công sức mới có thể lập lại được chí ít là trạng thái “tiền Covid” chứ chưa thể nói tới làn sóng phát triển mới.

{keywords}
Thông điệp "Cùng nhau ở nhà" được đặt tại một con phố ở Mỹ. Ảnh: Washington Post
{keywords}
Một người dân tại thành phố Milan, Italy treo quốc kỳ ngoài ban công với dòng chữ "Mọi chuyện rồi sẽ ổn". Ảnh: Reuters

Covid sẽ tác động ra sao tới nội tình chính trị - xã hội của các nước, sự chuyển dịch sức mạnh của các quốc gia và cấu trúc quan hệ quốc tế? Đó là điều cần theo dõi thêm vì các cuộc đại dịch trước kia đã từng gây ra những tác động cả về những mặt này.

Dù sao đi nữa thì đại dịch và cả yêu cầu phục hồi sau đại dịch là vấn đề toàn cầu đòi hỏi tất cả các nước phải đồng lòng, chung sức, các thể chế đa phương phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa tác dụng - những điều mà xem ra chưa như mong đợi. Hơn thế nữa, trong lúc nước sôi lửa bỏng, thay vì siết chặt hàng ngũ để ngăn chặn thảm họa chung, người ta lại lời qua tiếng lại, bài xích lẫn nhau, thậm chí tranh thủ tìm kiếm lợi ích riêng!

Một lần nữa thế giới lại đứng trước sự chọn lựa mang tính sống còn: “Bây giờ hay không bao giờ” (now or never)!

Vũ Khoan (Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ)               

Phó Thủ tướng khuyên 5 điều cần làm ngay để phòng chống dịch

Phó Thủ tướng khuyên 5 điều cần làm ngay để phòng chống dịch

Mỗi người phải có trách nhiệm với sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của mình, của những người xung quanh và trách nhiệm với cộng đồng, đất nước.



Theo Báo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét